Gặp Christoffel “Christo” Wiese lần đầu tiên, người ta thường ấn tượng bởi phong thái điềm tĩnh đến lạ. Khó ai nghĩ được rằng, cuộc sống người đàn ông này đã bị đảo lộn trong hơn 4 năm chỉ vì một hiểu nhầm tai hại, theo Forbes.
Tháng 12/2017, vị tỷ phú người Nam Phi 76 tuổi bị cáo buộc liên quan đến bê bối gian lận kế toán nghiêm trọng tại hãng bán lẻ Steinhoff International - nơi ông là Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất. Cuộc điều tra của PwC khi đó phát hiện ra nhiều điểm bất thường trong các giao dịch giả mạo trong suốt 9 năm từ 2009 đến 2017. Hệ lụy vụ bê bối theo đó được so sánh với sự sụp đổ của Enron Corporation, công ty năng lượng của Mỹ có trụ sở tại Houston, Texas, hồi năm 2001.
Theo Forbes, Steinhoff International đã mua lại Pepkor - thương hiệu bán lẻ quần áo giảm giá của Wiese vào năm 2015 với giá 5,7 tỷ USD bằng cổ phiếu và tiền mặt. Wiese 1 năm sau đó đã trở thành Chủ tịch. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2017, ngay sau khi bê bối gian lận kế toán được phanh phui, Wiese đứng lên tuyên bố từ chức.
Dù sau đó người ta chứng minh được rằng Weise không hề liên quan đến vụ lừa đảo, song việc giá cổ phiếu Steinhoff lao dốc tới 90% đã khiến khối tài sản của ông giảm từ 5,6 tỷ USD vào tháng 3/2017 xuống còn 1,1 tỷ USD vào năm 2018. Điều này khiến Weise ngay lập tức bị loại khỏi danh sách các tỷ phú châu Phi của Forbes.
Mới đây, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm cùng thỏa thuận trị giá 500 triệu USD, Wiese được trở lại danh sách tỷ phú châu Phi 2023, xếp vị trí thứ 18 với giá trị tài sản ròng ước tính 1,1 tỷ USD.
“Thật sốc khi phát hiện ra gian lận tại Steinhoff”, Wiese nhớ lại. “Những người góp phần tạo nên bê bối này đã vượt qua mọi ‘người gác cổng’, từ kiểm toán viên nội bộ, kiểm toán viên bên ngoài Deloitte, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi, nhiều ngân hàng quốc tế, đến Sở giao dịch chứng khoán Châu Phi và Frankfurt, Đức”.
Trước đó, Wiese và giới đầu tư đã được cảnh báo về những vấn đề xoay quanh Steinhoff. Năm 2007, Sean Holmes, chuyên gia phân tích của JPMorgan có trụ sở tại Nam Phi, đã xuất bản một báo cáo quan trọng dài 56 trang đặt nghi vấn về thu nhập của Steinhoff cũng như sự thiếu minh bạch trong việc công khai số liệu tài chính. “Mức thuế thấp đến đáng ngờ” của Steinhoff cũng thu hút sự chú ý của giới chức quản lý.
Trên thực tế, Wiese đã tin tưởng Steinhoff tuyệt đối. Vào tháng 9/2016, người đàn ông này vay 1,8 tỷ USD từ các ngân hàng để tài trợ cho việc mua thêm cổ phần của Steinhoff, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ gần 20% lên 25%. Để đảm bảo khoản vay, cổ phần riêng tại Steinhoff của Wiese đã được dùng làm tài sản thế chấp. Thời điểm Steinhoff lao dốc vào cuối năm 2017, các ngân hàng đều thu hồi quyền kiểm soát cổ phiếu của Wiese.
Sau đó ít lâu, Markus Jooste, cựu Giám đốc điều hành Steinhoff International dính líu đến bê bối kế toán, bị xét xử tại Đức. Ba cái tên khác có liên quan cũng bị đưa ra vành móng ngựa.
Bê bối khiến toàn bộ ngành tài chính gần như rung chuyển, thậm chí khiến JPMorgan thiệt hại 273 triệu USD trong quý IV/2017. Marianne Lake, Giám đốc Tài chính của JPMorgan, cho biết: “Đây là mất mát lớn nhất trong lịch sử hoạt động kinh doanh của chúng tôi kể từ khủng hoảng tài chính vài năm trước”.
Ngoài JPMorgan, nhiều ngân hàng khác cũng bị ảnh hưởng bởi bê bối kế toán Steinhoff. Theo tờ Wall Street Journal, cả Citigroup, HSBC, Goldman Sachs và Nomura đều đã nới rộng khoản cho vay mượn vốn cho Wiese nên phải chịu thiệt hại đồng loạt.
Wiese, cho rằng mình đã bị lừa 5 tỷ USD, đã đâm đơn kiện Steinhoff. Tuy nhiên, mãi tận đến tháng 1/2022, tòa án Nam Phi và Hà Lan (nơi Steinhoff đặt trụ sở chính) mới phê duyệt và dàn xếp cổ đông, trong đó có Wiese và hàng nghìn người khác nữa.
Được biết ngoài Steinhoff, Wiese còn sở hữu hơn 10% cổ phần chuỗi siêu thị Shoprite Holdings, nhà bán lẻ giá rẻ lớn nhất châu Phi. Doanh thu của nó rơi vào khoảng 10,7 tỷ USD trong năm tài khóa gần nhất, sở hữu 145.000 nhân viên và gần 3.000 cửa hàng trên khắp miền nam châu Phi. Tuy nhiên, sau “cơn ác mộng” Steinhoff, Wiese đã quyết định bán bớt cổ phần Shoprite, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 18% vào năm 2017.
Ngoài ra, Wiese cũng có cổ phần tại công ty đầu tư công nghiệp Invicta Holdings, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Johannesburg. Trung Quốc, Singapore, Vương quốc Anh và một doanh nghiệp nhỏ Mỹ cũng được Wiese rót vốn dàn trải. Một số doanh nghiệp công nghiệp Nam Phi, bất động sản thương mại Anh, câu lạc bộ sức khỏe Virgin Active và 2 công ty Nam Phi cũng thuộc sở hữu của vị tỷ phú này.
“Christo là một người chấp nhận rủi ro. Châu Phi không phải nơi dành cho những kẻ yếu đuối”, Syd Vianello, một nhà phân tích bán lẻ ở Johannesburg, nhận định.
Hành trình trở thành ông trùm bán lẻ lớn nhất châu Phi của Wiese không trải đầy hoa hồng. Sau khi theo học tại Đại học Stellenbosch, ông bắt đầu làm việc cho PEP, công ty của người anh họ vào năm 1970. Sau một thời gian cống hiến và chuyển hướng sang điều hành mỏ kim cương, Wiese lại quyết định quay lại phát triển PEP và Shoprite, một chuỗi cửa hàng tạp hóa tập trung phục vụ những khách hàng thu nhập thấp.
Năm 1986, Wiese tách Shoprite và PEP thành các công ty đại chúng riêng biệt. Đến năm 2014, Wiese cho biết ông đã kiểm soát 2 doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Nam Phi song đà tăng trưởng lại bị kìm hãm do những lo ngại về chống độc quyền trong nước.
Điều này thôi thúc Wiese chuyển hướng sang Steinhoff, một công ty kinh doanh tại Châu Âu và Nam Phi. “Đây là một doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán hoàn hảo, dòng tiền dồi dào, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và hoạt động trên phạm vi toàn thế giới”, Wiese nhớ lại.
Hiện tại, dù đã 81 tuổi, Wiese cho biết ông không có kế hoạch nghỉ hưu. “Với tôi, công việc kinh doanh là niềm vui lớn nhất. Tôi sẽ không để thảm họa gần như khó tin Steinhoff làm hỏng cuộc đời mình”, Weise chia sẻ với Forbes.
Theo: Forbes, WSJ