Sự thật đằng sau các báo cáo cắt giảm khí nhà kính: Ít nhất 1.318 công ty sử dụng cách tính sai lệch để xóa 112 triệu tấn khí thải, có báo cáo chênh tới 60%

Vũ Anh | 13:39 01/11/2022

Các công ty tự hào vì cắt giảm được một lượng lớn khí thải nhà kính, song thực chất không phải vậy.

Sự thật đằng sau các báo cáo cắt giảm khí nhà kính: Ít nhất 1.318 công ty sử dụng cách tính sai lệch để xóa 112 triệu tấn khí thải, có báo cáo chênh tới 60%

Các tập đoàn lớn vẫn tự hào về những tiến bộ của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song thực tế, đây chỉ là sự màu mè làm đẹp hồ sơ. Bầu khí quyển hóa ra không được hưởng nhiều lợi ích đến vậy, theo Bloomberg. 

Procter & Gamble, công ty tuyên bố cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, mới đây tự hào thông báo hoàn thành mục tiêu sớm một thập kỷ. Cisco Systems cũng tuyên bố cắt giảm vượt mục tiêu 60% khí thải ô nhiễm trong vòng 15 năm, trong khi Continental AG, hãng sản xuất lốp xe và phụ tùng ô tô Đức, cắt giảm một lượng khí nhà kính đáng kinh ngạc 70% vào năm 2020.

Đây chính xác là những thay đổi cần thiết để ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song nếu áp dụng một phương pháp đo lường chính xác hơn, con số thực tế sẽ khác hẳn. Cụ thể, Procter & Gamble chỉ cắt giảm được 12% lượng khí thải, trong khi Continental là 8%.

Những trường hợp kể trên, cùng hàng trăm công ty khác, đang thực hiện phép tính dựa trên hình thức “kế toán thị trường” gây tranh cãi. Mô hình này cho phép doanh nghiệp mua các khoản tín dụng từ nhà cung cấp năng lượng sạch để thể hiện mình đang xanh hóa, song thực chất không phải vậy. Một lượng lớn khí ô nhiễm từ diện văn phòng, trung tâm dữ liệu và nhà máy vẫn tồn tại và chỉ mất đi trên những báo cáo làm màu. 

1x-1-47-.jpg
Các công ty tự hào vì cắt giảm được một lượng lớn khí thải nhà kính, song thực chất không phải vậy.

Bloomberg mới đây phân tích gần 6.000 báo cáo khí hậu được đệ trình hồi năm ngoái nhằm tìm hiểu cách tính phóng đại quá mức. Các báo cáo này được đệ trình tự nguyện cho CDP - một tổ chức phi lợi nhuận quản lý hệ thống môi trường toàn cầu. Ít nhất 1.318 công ty đã sử dụng cách tính sai lệch đó để xóa sổ tổng cộng 112 triệu tấn khí thải - con số tương đương mức ô nhiễm thải ra từ 24 triệu chiếc xe mỗi năm. 

Như vậy, hàng trăm công ty, bao gồm cả Procter & Gamble, Cisco và Continental, chủ yếu chỉ dựa vào tín dụng năng lượng tái tạo (REC) hoặc đảm bảo nguồn gốc (GO) để đạt được các mục tiêu về khí hậu. 

“Cách tính dựa trên thị trường đã phá vỡ tính chính xác của việc phát thải khí nhà kính. Nếu muốn đối phó với khủng hoảng khí hậu, chúng ta cần thông tin chính xác hơn”, Matthew Brander, giảng viên cao cấp về kế toán carbon tại Đại học Edinburgh, cho biết.

Thực tế, 25% lượng khí thải đến từ quá trình sản xuất điện và nhiệt. Các khách hàng thương mại và công nghiệp tiêu thụ khoảng ⅔ trong số đó. 

Theo Bloomberg, lưới điện địa phương lấy điện từ nhiều nguồn khác nhau, từ tuabin gió không phát thải đến các nhà máy than nghẹt khí CO2, do đó, không thể biết nhà máy nào cung cấp năng lượng gì cho các dây chuyền lắp ráp. Mức ô nhiễm, theo đó, được tính theo kiểu trung bình cộng. 

Phương pháp “kế toán dựa trên vị trí” này giúp các công ty cắt giảm kha khá lượng khí thải, song tiến độ vẫn chậm và tiêu tốn nhiều chi phí. Chẳng hạn như Lowes Cos, công ty điều hành 2.200 cửa hàng sửa chữa nhà tại Bắc Mỹ, đã phải chi 68 triệu USD vào năm 2020 để nâng cấp thiết bị chiếu sáng và điều hòa không khí tại hàng trăm cửa hàng. Thiết bị tiêu thụ năng lượng mới đã giúp Lowes Cos giảm 11% lượng điện năng và 9% khí phát thải. 

“Kế toán dựa trên vị trí” không giúp các công ty thu về nhiều lợi ích. Họ chủ động tìm tới một cách thức nhanh gọn và hiệu quả hơn: “Kế toán dựa trên thị trường”. 

1200x-1-2022-11-01t121043.346.jpg
Lưới điện địa phương lấy điện từ nhiều nguồn khác nhau, từ tuabin gió không phát thải đến các nhà máy than nghẹt khí CO2.

Khi các trang trại gió hoặc năng lượng mặt trời bán điện, họ sẽ được trả khoản phí tương đương các nhà máy khác, cộng thêm nhiều gói thuế tín dụng từ phía chính phủ. Các tập đoàn lớn khi đó bơm thêm tiền cho các chủ trang trại điện để mua quyền sử dụng năng lượng sạch. Bằng cách này, dù thực tế không hề sử dụng, họ vẫn có thể yêu cầu mức tín dụng cho năng lượng không phát thải trên sổ cái.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ và một số tổ chức phi lợi nhuận như CDP khi đó công nhận “kế toán dựa trên thị trường”. Họ coi đây như một cách để các công ty bơm tiền nhiều hơn vào năng lượng sạch, đồng thời kỳ vọng khoản thanh toán bổ sung này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến chuyên gia quan ngại rằng “kế toán dựa trên thị trường” sẽ làm sai lệch độ chính xác của các báo cáo. 

Vào năm 2015, sau thời gian dài cân nhắc, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) quyết định ra một tiêu chuẩn kế toán phát thải phổ biến mới được hàng nghìn công ty trên thế giới sử dụng. Nhóm có trụ sở tại Washington cho biết các công ty nên kết hợp hoặc chọn một trong hai phương pháp, hoặc “kế toán dựa trên thị trường”, hoặc “kế toán dựa trên vị trí” để củng cố số liệu về khí hậu. 

Tuy nhiên, WRI và các đối tác hiện đang đánh giá lại quyết định này và cân nhắc điều chỉnh tiêu chuẩn phù hợp với trọng tâm đo lường chính xác điện phát thải.

Năm ngoái, hơn 100 công ty, trong đó có Amazon, Nestle và Target, đã ký các thỏa thuận mua bán điện sạch dài hạn (PPA). Trong giao dịch phức tạp này, các công ty sẽ yêu cầu khoản tín dụng cho năng lượng xanh và thường gánh thêm một số rủi ro cho nhà máy điện trong khoảng thời gian 10 hoặc 15 năm. Điều này giúp các nhà phát triển năng lượng tái tạo có đủ tài chính để xây dựng dự án.

Mặt khác, REC và GOs, không giống các hợp đồng mua bán điện thông thường, là các giao dịch ngắn hạn cho phép một công ty nhận tín dụng từ các cơ sở đã hoạt động trong nhiều năm. Người mua sẽ không phải chịu bất kỳ rủi ro nào thay nhà máy điện. Trong số 1.318 công ty sử dụng phương pháp “kế toán dựa trên thị trường”, gần một nửa đã mua REC hoặc GO, tương ứng 108 triệu megawatt-giờ điện. Con số này tương đương một nửa mức tiêu thụ điện năng hàng năm của Tây Ban Nha.

1200x-1-2022-11-01t121018.227.jpg
Ít nhất 1.318 công ty đã sử dụng cách tính sai lệch đó để xóa sổ tổng cộng 112 triệu tấn khí thải - con số tương đương mức ô nhiễm thải ra từ 24 triệu chiếc xe mỗi năm. 

Điều này khiến các tuyên bố về tiến bộ khí hậu bị thổi phồng quá mức. Nghiên cứu tại Đại học Concordia ở Montreal với 115 công ty đặt ra các mục tiêu khí hậu cho thấy, nếu không nhờ REC, họ chỉ giảm được chính xác 10% khí thải nhà kính. Trong khi đó trong báo cáo của mình, các công ty lại đưa ra mức giảm 31% từ năm 2015 đến năm 2019. 

“Việc sử dụng rộng rãi RECs làm dấy lên nhiều nghi ngờ vì nó cho phép các công ty báo cáo mức giảm phát thải không đúng sự thật”, báo cáo kết luận.

Theo: Bloomberg 


Bài liên quan

(0) Bình luận
Sự thật đằng sau các báo cáo cắt giảm khí nhà kính: Ít nhất 1.318 công ty sử dụng cách tính sai lệch để xóa 112 triệu tấn khí thải, có báo cáo chênh tới 60%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO