Trong 8 tháng, startup NextMed nổi lên như một hiện tượng khi ngày càng nhiều người điên cuồng tìm kiếm các loại thuốc kê đơn như Ozempic, Wegovy hay Mounjaro để giảm cân.
Được biết Ozempic và Mounjaro vốn được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường, song đôi khi lại được kê đơn để giảm cân. Wegovy có hoạt chất tương tự như Ozempic và được phép sử dụng để hỗ trợ các bệnh nhân béo phì.
Được điều hành bởi nhà sáng lập vừa mới tốt nghiệp đại học 14 tháng trước, NextMed sở hữu lượng truy cập web vượt qua cả các công ty như Calibrate Health và Found Health. Công ty mẹ của nó là Helio Logistics - một doanh nghiệp hoạt động với số lượng nhân viên khiêm tốn.
Giống như nhiều công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, sự tăng trưởng của NextMed chủ yếu đến từ quảng cáo, trong đó bao gồm cả những quảng cáo mà các chuyên gia y tế cho là không phù hợp. Được biết startup này đã quảng cáo Ozempic dù mục đích sử dụng không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận.
Theo WSJ, NextMed thường xuyên sử dụng những bức ảnh before-after để chứng thực biện pháp giảm cân hiệu quả, song một số nguồn tin cho thấy đây không phải những khách hàng thực sự của NextMed. Startup này cũng phải đối mặt với nhiều lời phàn nàn từ khách hàng, rằng họ mất tiền nhưng không được nhận lại dịch vụ như đã cam kết.
“Chúng tôi tiếp tục cập nhật chính sách để phục vụ nhu cầu khách hàng. Điều này được thể hiện rõ trên trang web hiện tại của chúng tôi,” đại diện công ty cho biết.
Tuy nhiên, sau khi những nghi ngại được WSJ đăng tải, NextMed bất ngờ ngừng chạy quảng cáo trên Instagram và sóng truyền hình, thậm chí chỉnh sửa nhiều nội dung trên trang web.
Theo các chuyên gia, NextMed là ví dụ mới nhất về một công ty khởi nghiệp công nghệ sử dụng kênh quảng cáo PR để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua việc kê đơn trực tuyến. Các nhà lập pháp đã kêu gọi sự giám sát nhiều hơn đối với các dịch vụ này sau khi một phân tích từ WSJ cho thấy nhiều người đang chạy quảng cáo bất hợp pháp các loại thuốc, thậm chí không cảnh báo rủi ro tới người dùng.
Theo luật sư của NextMed, Adam Greene, startup này đã huy động được 7 triệu USD, tính đến thời điểm hiện tại. Doanh thu trung bình hàng năm đạt 55 triệu USD vào đầu năm nay, tăng từ mức 1,5 triệu USD hồi năm ngoái. NextMed cũng dự tính huy động thêm khoảng 30 triệu USD để tài trợ cho các sáng kiến tăng trưởng. Đến tháng 1 năm nay, truy cập vào trang web của NextMed tăng lên 776.000 lượt từ mức 64.000 hồi tháng 7 năm ngoái, theo Similarweb.
Người sáng lập NextMed, Robert Epstein, tốt nghiệp Đại học Pennsylvania vào tháng 12/2021 khoa kinh tế và khoa học máy tính. Bài thuyết trình trước giới đầu tư của anh được đánh giá là “xuất sắc” nhờ điểm thi SAT và kinh nghiệm thực tập hoàn hảo.
Được phát triển để điều trị bệnh tiểu đường Loại 2, các loại thuốc như Ozempic và Mounjaro đặc biệt trở nên phổ biến sau khi nhiều người nổi tiếng sử dụng chúng và giảm cân hiệu quả. Elon Musk hồi tháng 11 năm ngoái đã tweet rằng hai loại thuốc này đã giúp ông giảm tới 13kg.
Nhiều quảng cáo của NextMed bị chỉ trích vì sử dụng đối tượng không hề thừa cân để PR. Các chuyên gia y tế cho biết việc quảng bá thuốc giảm cân cho những người không cần giảm cân có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, chẳng hạn như dị dạng cơ thể hoặc rối loạn ăn uống. Đáp lại, NextMed cho biết nó vẫn tuân thủ tất cả các yêu cầu quảng cáo hiện hành.
Trước đó, startup này quảng bá Ozempic như một loại thuốc giảm cân dù FDA không hề chấp thuận. Quảng cáo cũng không bao gồm những thông tin về rủi ro hoặc an toàn như những gì FDA yêu cầu.
NextMed không phải nhà sản xuất thuốc và giống như các công ty chăm sóc sức khỏe từ xa khác, nó tồn tại được nhờ lẩn tránh trong các góc khuất về quy định. Quảng cáo của NextMed bắt đầu khởi chạy vào tháng 12 với 99 triệu lượt xem trên khắp các kênh như Fox News, ESPN và MSNBC, theo TV iSpot.tv.
Được biết NextMed kết nối khách hàng với các bác sĩ - những người có thể kê đơn và sau đó tính phí hàng tháng cho các lần mua thêm thuốc. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu để xem có đủ điều kiện dùng thuốc giảm cân hay không. Thời gian chờ để được “tư vấn và kê đơn” là một ngày.
WSJ đã nói chuyện với 6 khách hàng của NextMed - những người mất tiền nhưng có nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ. Bốn người trong số đó cho biết công ty không hề trả lời các yêu cầu hoàn tiền cho đến khi họ đăng các đánh giá tiêu cực trên các trang web.
Ximena Balbuena, một khách hàng của NextMed cho biết mình đã ngay lập tức đăng ký kê đơn sau khi xem quảng cáo giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, do lo sợ thẻ bảo hiểm không hỗ trợ chi trả, Balbuena quyết định hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu hoàn lại tiền vào tháng 11. Đáp lại, NextMed nói sẽ làm như vậy nếu cô xóa một video trên YouTube phàn nàn về trải nghiệm dịch vụ. Ximena Balbuena nghe theo nhưng đến nay vẫn không nhận được tiền.
Michelle Festi, đến từ Florida, cho biết một đại diện của NextMed còn gạ gẫm tặng thẻ quà tặng Amazon nếu cô xóa các đánh giá tiêu cực. Michelle Festi đã từ chối.
Được biết NextMed tính phí 99 USD cho tháng đầu tiên sử dụng dịch vụ, đồng thời đẩy khách hàng ký hợp đồng một năm. Chi tiết hợp đồng sẽ không được tiết lộ trước khi thanh toán.
Nhiều bằng chứng cho thấy NextMed sử dụng hình ảnh gian dối để lôi kéo người dùng. Nhân vật tên “Rick” - người được cho là đã giảm thành công hơn 40kg nhờ NextMed thực chất lại là Boyce. Ông Boyce cho biết mình giảm cân được nhờ chế độ ăn kiêng và tập thể dục khắc nghiệt.
“Bạn không thể dùng thuốc giảm cân và nhận được kết quả như tôi. Bức ảnh tôi chụp vào năm 2020, hai năm trước khi NextMed ra mắt”, Boyce nói.
Theo: WSJ