Startup xe điện Rivian Automotive vừa thông báo tạm ngừng đàm phán với Tập đoàn Mercedes-Benz trong kế hoạch hợp tác sản xuất xe tải điện ở châu Âu. Động thái trên được cho là một trong những nỗ lực lớn của nhà sản xuất SUV nhằm tiết kiệm phần lớn tiền mặt. Trước đó hồi tháng 9, hai công ty cho biết đang trong quá trình đàm phán về một liên doanh tiềm năng tại nhà máy Mercedes Ba Lan để sản xuất xe tải thương mại cho cả hai thương hiệu.
Theo WSJ, các Giám đốc điều hành Rivian dần trở nên thận trọng hơn đối với việc mở rộng hoạt động quá mức, trong bối cảnh thị trường vốn thắt chặt vì rủi ro suy thoái. Quyết định ngừng đàm phán theo đó được đưa ra sau khi hãng này cân nhắc cơ hội tăng trưởng và tập trung vào các dự án hứa hẹn lợi nhuận.
“Việc tạm dừng quan hệ đối tác phản ánh quá trình liên tục đánh giá các dự án vốn và xem xét điều kiện kinh tế hiện tại của chúng tôi,” Giám đốc tài chính của Rivian, Claire McDonough cho biết trong một tuyên bố. Đại diện startup này khẳng định hoạt động kinh doanh hiện tại của Rivian là bán xe tải và SUV, đồng thời đặt niềm tin lớn vào thỏa thuận xe tải thương mại có được với Amazon.
Được biết tháng 2/2019, Amazon đầu tư 700 triệu USD vào Rivian, cùng với đó là đơn đặt hàng 100.000 xe tải điện. Đây vừa là nhà đầu tư mạnh tay, vừa là khách hàng lớn của startup. Những nhà đầu tư khác của Rivian có thể kể đến như BlackRock, Fidelity, T. Rowe Price và Ford Motor.
Trong khi đó, Mercedes thông báo sẽ tiếp tục xúc tiến kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Jawor, Ba Lan, nơi sẽ sản xuất độc quyền những chiếc xe tải điện cỡ lớn sử dụng công nghệ của chính Mercedes. Hãng này cho biết nếu không sự hợp tác của Rivian, việc mở rộng Jawor sẽ được thực hiện trên quy mô nhỏ hơn kế hoạch ban đầu.
Được biết trước đó, Mercedes đã sản xuất động cơ đốt trong và pin tại Jawor, Ba Lan. Thời điểm cụ thể khánh thành nhà máy mới hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Theo WSJ, Rivian đang đối mặt với nhiều khoản lỗ, trong bối cảnh cố gắng tăng sản lượng tại nhà máy duy nhất tại Normal, Ill và đặt mục tiêu khởi công xây dựng nhà máy thứ hai ở Georgia. Startup này đã báo cáo khoản lỗ ròng trị giá 5 tỷ USD trong quý I/2022.
Được biết trong mùa hè vừa qua, Rivian đã sa thải khoảng 6% nhân sự và cắt giảm chi tiêu. Lượng tiền mặt ghi nhận hồi cuối tháng 3, rơi vào khoảng 17 tỷ USD, đã giảm xuống còn 13 tỷ USD hồi cuối tháng 9, trong bối cảnh chi phí nguyên liệu sản xuất tăng vọt vì lạm phát.
Theo RJ Scaringe, Giám đốc điều hành Rivian, startup này hiện đang tập trung vào các dự án mang lại lợi tức đầu tư tốt. Tính đến tháng 11, công ty có 114.000 khách hàng đang chờ giao xe bán tải R1T hoặc SUV R1S - 2 mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện đang được bày bán tại Mỹ.
Rivian IPO tháng 11 năm ngoái, với danh nghĩa công ty khởi nghiệp EV nổi tiếng hứa hẹn nâng đỡ toàn ngành công nghiệp ô tô. Công ty có trụ sở tại Irvine, Calif và sau khoảng thời gian ngắn đã được định giá cao hơn cả Ford, trong bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng hãng sản xuất xe tải mới nổi sẽ sớm lên ngôi.
Tuy nhiên thời gian sau đó, thị trường vốn trở nên eo hẹp đối với nhiều công ty, bao gồm cả Rivian. Cổ phiếu startup này đã giảm khoảng 84% so với mức đỉnh.
Điều này khiến Rivian khá chật vật. Vào tháng 3, công ty cắt giảm sản xuất với lý do thiếu linh kiện và các vấn đề trong chuỗi cung ứng. Nhà máy ở Illinois cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, sau đó buộc phải tăng giá xe ngay cả với những khách đặt trước.
Trước làn sóng phản đối dữ dội của người tiêu dùng, Rivian nhanh chóng rút lại quyết định tăng giá này, song việc không thể bù đắp chi phí bán hàng đã góp phần gây ra tình trạng thua lỗ.
Theo bà McDonough, những khách hàng sau khi bị tăng giá sẽ phải trả trung bình 93.000 USD cho 1 chiếc xe. Rivian hy vọng công ty sẽ có lãi vào một thời điểm nào đó trong năm tới.
Được biết, hãng xe điện đang lên kế hoạch cho ra mắt phiên bản mới phục vụ phân khúc khách thu nhập tầm trung có tên R2 vào năm 2026. Ông Scaringe, Giám đốc điều hành của Rivian, cho biết sự chậm trễ này nhằm đảm bảo công ty có đủ thời gian xây dựng một nhà máy mới trị giá 5 tỷ USD ở Georgia và chuẩn bị sẵn sàng khâu sản xuất.
Được thành lập hồi năm 2009 bởi một sinh viên tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts, Rivian gây được tiếng vang lớn vào năm ngoái sau khi ra mắt công chúng. Một số nhà đầu tư thậm chí còn gọi Rivian với cái tên mỹ miều: Tesla của xe tải.
Theo WSJ, Rivian hiện bán hầu hết các loại xe của mình thông qua hình thức trực tuyến, vốn không bị ảnh hưởng bởi luật nhượng quyền của tiểu bang. Mọi giao dịch trực tuyến sẽ được xử lý tại Illinois, nơi Rivian đặt nhà máy đầu tiên, sau đó giao xe trực tiếp cho người mua. Tuy nhiên, do khâu vận chuyển còn nhiều khó khăn, các giám đốc điều hành của Rivian cho biết họ cần thêm nhiều chuỗi cửa hàng trên toàn quốc thuộc sở hữu của công ty để giảm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động giao hàng.
Được biết, số lượng xe giao ngay trong nửa đầu năm của Rivian chỉ đạt khoảng 5.700 chiếc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu. Công ty dự kiến lỗ 5,45 tỷ USD trong năm 2022.
Theo: WSJ