Trong những năm qua, David Beckham đã xây dựng được danh mục đầu tư kinh doanh đa dạng về thời trang, thể thao và giải trí.
Trước khi chính thức giã từ giày bóng đá vào năm 2013, anh đã "ghi bàn" ngoài sân cỏ khi đạt được nhiều hợp đồng với các thương hiệu toàn cầu, đại diện cho một số tổ chức với tư cách là đại sứ, thành lập đội bóng của riêng mình.
Thành công từ sớm
Năm 1991, anh gia nhập đội bóng đá khổng lồ nước Anh khi còn là cầu thủ trẻ. Dưới sự dìu dắt của Sir Alex Ferguson, họ đã thành công rực rỡ, vô địch mọi giải đấu mà họ tham gia.
Hợp đồng quảng cáo sớm nhất của anh là với thương hiệu tạo mẫu tóc Brylcreem của Anh, trị giá 5 triệu USD vào năm 1997. Sau đó, chân sút sinh năm 1975 đã ký hợp đồng với các thương hiệu khác.
Những hợp đồng ban đầu này đã đặt nền móng cho sự thành công kinh doanh trong tương lai của David Beckham, giup anh liên tục xuất hiện trên tấm áp phích trong các chiến dịch quảng cáo trên toàn thế giới.
Tuy nhiên sau cuộc tranh cãi với ban lãnh đạo Manchester United, cầu thủ người Anh chuyển đến câu lạc bộ Tây Ban Nha Real Madrid, ký bản hợp đồng mang về cho anh 19,8 triệu USD/năm (tương đương 486 tỷ đồng).
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi lý do mua David Beckham vào năm 2003, chủ tịch câu lạc bộ trả lời: "Doanh thu của cậu ấy đã tăng gấp 3 lần". Điều này cho thấy khả năng tiếp thị và tiếp cận thị trường của David Beckham.
Đến đây, anh còn ký hợp đồng trọn đời với thương hiệu thể thao adidas của Đức. Đây là hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực thể thao vào thời điểm đó, trị giá 160 triệu USD (tương đương 3.930 tỷ đồng).
Năm 2004, David Beckham ký thoả thuận hơn 3 triệu USD/năm với công ty cạo râu Gillette của Mỹ. Cùng thời gian đó, nhãn hiệu nước giải khát Pepsi cũng bắt tay với anh và trả anh 2,9 triệu USD mỗi năm.
Chuyển đến Mỹ và kinh doanh
Năm 2007, việc David Beckham chuyển đến Giải bóng đá nhà nghề Mỹ, chơi cho câu lạc bộ LA Galaxy (chơi ở Giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ MLS). Quyết định này được coi là động thái kinh doanh nhưng khiến anh bị chỉ trích. Trong thoả thuận gia nhập câu lạc bộ, David Beckham đã bị cắt giảm lương rất lớn, từ 19,8 triệu USD xuống còn 6,4 triệu USD (do giới hạn lương của giải đấu).
Nhưng rõ ràng cầu thủ 31 tuổi khi đó đã có những tính toán lâu dài, đến Mỹ với hy vọng củng cố MLS và mở rộng thương hiệu của mình. Anh đã cố gắng đàm phán một số điều khoản "đỉnh cao" trong hợp đồng của mình, những điều khoản giúp anh kiếm được 500 triệu USD (tương đương 12.283 tỷ đồng) sau này.
Trên trang cá nhân, chuyên gia đầu tư và kinh doanh thể thao Joe Pompliano đã giải thích 2 phần đáng kinh ngạc của bản hợp đồng. Mức lương cơ bản của David Beckham là 6,4 triệu USD, nhưng trên thực tế anh đã kiếm được trung bình gấp 7 lần con số này.
Sự khôn ngoan của anh thể hiện ở chỗ có được điều khoản đảm bảo anh nhận được 1% trong tổng doanh thu của câu lạc bộ. Bằng cách đó, anh được hưởng mọi thứ từ việc bán vé và tài trợ cho đến mọi loại đồ ăn và uống. Điều đó đã nâng thu nhập của tiền vệ này lên khoảng 252 triệu USD trong 5 năm, cao hơn 220 triệu USD so với mức lương ban đầu.
Với 50 triệu USD mỗi năm, anh trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới, chơi 118 trận và giành được 2 cúp MLS.
Một thoả thuận khác trong hợp đồng là sự đảm bảo cho David Beckham quyền mua một đội mở rộng MLS với giá chỉ hơn 23 triệu USD sau khi anh giải nghệ.
Thời điểm ấy, con số này dường như quá lớn với MLS. Nhưng với sự góp mặt của ngôi sao người Anh, bóng đá Mỹ đã phát triển theo cấp số nhân. Đó chính xác là những gì anh đã làm khi Inter Miami được thành lập sau này.
Đế chế kinh doanh hiện tại
Khi còn là cầu thủ, anh đã kiếm được 800 triệu USD (hơn 16.654 tỷ đồng) từ tiền lương, các hợp đồng tài trợ và thoả thuận MLS. Sau khi giã từ sự nghiệp bóng đá vào năm 2013, David Beckham hoàn toàn chuyển sang làm doanh nhân.
Anh thành lập DB Ventures, nơi trở thành trung tâm cho các hoạt động sự nghiệp sau bóng đá của anh. Vào tháng 3/2020, cựu cầu thủ đã thực hiện bước quan trọng khi bán 55% cổ phần DB Ventures cho Authentic Brands Group. Thương vụ mang về hơn 230 triệu USD (tương đương 5.650 tỷ đồng) cho ông chủ sinh năm 1975.
David Beckham cũng ra mắt nhãn hiệu đồ uống Haig Club và đồng sáng lập Studio 99 - công ty sản xuất nội dung. Năm 2018, anh quyết định kích hoạt điều khoản đã ký với MLS bằng cách mua cổ phần của Inter Miami với giá 25 triệu USD (tương đương 614,1 tỷ đồng).
Anh đã đầu tư nhiều vào câu lạc bộ khi làm được điều không thể là chiêu mộ siêu sao Lionel Messi. Việc bổ sung cầu thủ 8 lần giành giải Quả bóng vàng vào danh sách của Inter Miami chắc chắn là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho câu lạc bộ. Messi đã thu hút sự chú ý về Inter Miami và giúp họ giành được chiếc cúp đầu tiên trong năm nay.
Với mức định giá 600 triệu USD (tương đương 14.746 tỷ đồng), Inter Miami hiện là câu lạc bộ bóng đá có giá trị thứ 11 tại MLS.
Theo The Richest