“Điều khó nhất trên hành trình tự do tài chính là phải có kế hoạch và kiên trì. Một cá nhân bình thường để đầu tư có kết quả tốt không cần quá nhiều kiến thức, chỉ cần một số kiến thức cơ bản, sau đó áp dụng và kiên trì thực hiện”, ông Hans Nguyễn - Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam phát biểu trong chương trình Gala hành trình Tự do tài chính của VTV Money.
Theo ông Hans, con đường đi đến tự do tài chính mở ra cho tất cả. Ngay cả những người không nhiều vốn và kiến thức vẫn có cách đạt được cột mốc này. Sếp của Dragon Capital chỉ ra lợi thế của những người này là không có nhiều chọn lựa nên sẽ tập trung hơn, còn khó khăn của những người có nhiều lựa chọn là bị lan man.
Để kiếm được 1 triệu USD đầu tiên - mốc được coi là tượng trưng cho tự do tài chính, ông Hans cho biết có hai con đường là “giàu nhanh” và “giàu chậm”. Những người muốn giàu nhanh cần có kiến thức, kinh nghiệm dày dặn ở một số lĩnh vực như kinh doanh, làm trong ngành giải trí, sản xuất video trên mạng xã hội…
“Còn hai cách giàu chậm là đầu tư chứng khoán và tài chính. Đầu tư tài chính có hai hướng là tự đầu tư và giao cho người khác. Tôi phải nhấn mạnh tự đầu tư cũng rất khó, xác suất thành công chỉ 3-5%”, ông Hans chia sẻ.
Nói rõ hơn về ủy thác đầu tư, ông cho biết nhà đầu tư cần mua chứng chỉ quỹ, sau đó chuyên gia sẽ quản lý tiền và đầu tư giúp.
“Nếu bạn 25 tuổi và muốn giàu chậm theo kiểu giao cho người khác làm, mỗi tháng cần đều đặn bỏ 2 triệu đồng đầu tư chứng chỉ quỹ cho tới năm 55 tuổi, để khi về hưu có hơn 10 tỷ đồng. Những ai có khả năng bỏ 4 triệu đồng mỗi tháng, tới năm 55 tuổi sẽ được khoảng 1 triệu USD nhờ lãi kép”, ông Hans nêu ví dụ.
Trước câu hỏi về mức độ an toàn của chứng chỉ quỹ, ông giải thích rằng việc đầu tư hiện nay ngoài được xác nhận qua giấy tờ còn được hệ thống ghi lại, nên khả năng mất mà không tìm lại được hầu như không có, thật sự an toàn.
"Chưa có nhiều tiền mới phải tập quản lý ngân sách"
Trước ý kiến cho rằng chỉ người giàu mới cần quản lý, phân bổ ngân sách, còn những ai ít tiền không cần, ông Hans khẳng định ngân sách eo hẹp vẫn phải quản lý.
“Chính vì chưa có nhiều tiền mới phải tập quản lý, chẳng hạn như lương tăng vẫn cố gắng chi tiêu ít để tích lũy. Nếu chưa có thu nhập cao, một trong những điều quan trọng là tăng thu nhập để có khoảng thặng dư, cùng lúc đó phải kiểm soát chi tiêu”, chuyên gia nêu quan điểm.
Ông cũng cảnh báo việc tiêu xài hoang phí sẽ để lại hậu quả khi rủi ro bất ngờ xảy ra như bị bệnh, tai nạn, thất nghiệp. Về dài hạn, không tích lũy sẽ không thể mua nhà và xe, hoặc dành tiền để học thứ gì đó.
“Các bạn trẻ có thể mắc lỗi này trong 1-2 năm, nhưng đừng để kéo dài tới 10 năm, nếu không sẽ phải trả giá rất đắt”, ông Hans cho hay.