Bạc đang trở thành kim loại hấp dẫn nhất sau vàng bởi vừa là một loại kim loại công nghiệp, vừa là một loại tài sản chính. Đây cũng là một vật liệu quan trọng trong các tấm pin mặt trời - "vũ khí mới" của Trung Quốc và đang được sản xuất với số lượng lớn.
Nhập khẩu bạc của Trung Quốc đang tăng mạnh trong những tuần gần đây, đà tăng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và đang lập kỷ lục về giá trước nhu cầu khổng lồ từ thị trường láng giềng Việt Nam.
Giá bạc đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm vào tuần trước, tuy nhiên điều đáng chú ý hơn cả là chênh lệch giữa giá bạc Trung Quốc và giá bạc thế giới đang ở mức cao. Điều này đã tạo ra động lực để các quốc gia gửi thêm kim loại sang Trung Quốc để sinh lời, có khả năng gây sức ép nguồn cung cho các nước khác.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities, cho biết: “Làn sóng nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ làm giảm lượng hàng hóa gửi đến phương Tây hơn nữa”.
Nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Chúng đạt mức cao nhất trong 3 năm vào tháng 12 với khoảng 390 tấn và tăng vọt vào tháng 4 lên hơn 340 tấn. Mức trung bình hàng tháng trong 5 năm là khoảng 310 tấn.
Mức chênh lệch giá giao ngay tại Thượng Hải đã tăng trên 15% vào tuần trước, nhiều hơn mức bù đắp cho khoản thuế 13% mà Trung Quốc áp đặt đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời, kho dự trữ kim loại của Trung Quốc đã giảm dần do nhu cầu mạnh mẽ liên tục từ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trong những năm gần đây.
Ghali cho biết: “Mọi người đang xem xét sự sụt giảm của lượng tồn kho của bạc tại Trung Quốc. Bạc có thể được coi là rẻ hơn so với vàng và đang trở thành khoản đầu tư kim loại quý hấp dẫn."
Không chỉ riêng Trung Quốc, bạc cũng đang tạo nên một cơn sốt tại Ấn Độ. Chuyên gia ngành kim loại Prithviraj Kothari cho biết, giá bạc tăng cao đã thúc đẩy việc bán bạc gia dụng ở khu vực Zaveri Bazaar tại Mumbai (Ấn Độ) . “Mọi người đang bán thỏi, đồng xu và đồ dùng bằng bạc để có tiền mặt trong tay. Ngoài ra, sau một thời gian dài, bạc đang chứng kiến một đợt tăng giá như vậy và người tiêu dùng muốn tận dụng tối đa nó,” Kothari nói.
Tại Ấn Độ, nhập khẩu bạc tăng khoảng 30% trong năm tài chính 2024 ở mức 1.561,8 tấn, tăng từ mức 1.173,89 tấn trong năm tài chính 2023. Mua sắm công nghiệp tăng và giá cả ổn định đã dẫn đến nhu cầu về bạc tăng trong năm tài chính 2024.
Hiện nay, lượng bạc chưa khai thác vẫn còn khá lớn. Peru được cho là có trữ lượng bạc lớn nhất thế giới, khoảng 93.000 tấn. Australia và Ba Lan theo sát phía sau. Ngày nay, ước tính thế giới còn khoảng 500.000 tấn bạc chưa được phát hiện. Nhà sản xuất bạc lớn nhất thế giới là Mexico với sản lượng bạc năm 2020 là khoảng 5.600 tấn. Trong năm này, gần 25.000 tấn bạc được sản xuất trên toàn cầu. Trong đó, Peru, Trung Quốc, Nga và Chile là những quốc gia khác có đóng góp lớn.
Theo Reuters