Kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày, rạng sáng ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 10 chỉ trong hơn 1 năm. Ngoài ra, NHTW Mỹ cũng phát tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt chính sách sắp kết thúc.
Trên thị trường trong nước, khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng ngày 4/5 cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Theo đó, ngoài kỳ hạn 13 tháng, Saigonbank đã giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn từ 6 trở lên.
Nam Á Bank cũng 0,1 - 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 4/5.
Hiện mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB.
Đứng sau 2 ngân hàng trên lần lượt là Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%).
Ngoài VPBank, nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống còn trên dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường ở mức 7,2%/năm khi gửi tại quầy. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động 12 tháng của nhóm Big4 thường cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm % so với gửi tại quầy.
Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.
Hồi cuối năm 2022, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1 – 1,7 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do cầu tín dụng yếu và định hướng điều hành của NHNN.
Mới đây, 4 ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023 do: (1) FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay, (2) nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm, và (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả NH tư nhân và NH quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023”, Chứng khoán VnDirect cho hay.