Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 76,34 km. Trong đó, đoạn qua địa phận TP. HCM là 47,51km; Đồng Nai là 11,26km; Bình Dương là 10,76km; Long An là 6,81km. Đây hiện là công trình giao thông lớn nhất phía Nam với tổng vốn đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Vành đai 3 có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Nguồn: Sở GTVT TP. HCM.
Đoạn Vành đai 3 trên địa bàn TP. HCM dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng. Tháng 6/2023, dự án Vành đai 3 đoạn qua TP. HCM được khởi công tại TP Thủ Đức. Trong ảnh là khu vực công trường thi công gói thầu XL3 (từ Km17+500 đến Km20+550), khoảng 2.300 tỷ đồng, thuộc địa phận TP Thủ Đức.
Vành đai 3 qua TP. HCM gồm 2 dự án thành phần. Cụ thể, đoạn 1 qua địa phận TP Thủ Đức; điểm đầu tiếp giáp cầu Nhơn Trạch (Đồng Nai), điểm cuối tiếp giáp nút giao Tân Vạn, chiều dài khoảng 15km; đoạn 2 đi qua địa phận các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, điểm đầu tiếp giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Kênh Thầy Thuốc; chiều dài khoảng 32km. Trong ảnh là gói thầu nằm sát khu đô thị Vinhomes Grand Park Nguyễn Xiển. Sau 3 tháng kể từ ngày khởi công, hiện khu vực này đang thi công mặt bằng và đặt cọc khoan nhồi.
Đoạn đường chạy qua rạch Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ) cũng đang tập trung nhiều máy móc để phục vụ việc thi công.
Tính đến tháng 11, TP Thủ Đức đã bàn giao gần 90% mặt bằng cho dự án Vành đai 3. Bên cạnh đó, huyện Hóc Môn là địa phương đầu tiên ở TP. HCM hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho dự án, đạt 100% vào ngày 27/6. Đây là tiến độ kỷ lục, sớm hơn 6 tháng so với yêu cầu của TP và Chính phủ. Trong ảnh là nhà dân đã được phá dỡ, giao lại đất tại đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức.
Tháng 6/2023, Bình Dương đã động thổ xây dựng cầu băng qua sông Sài Gòn và cầu vượt tại nút giao Bình Chuẩn - công trình đầu tiên đường Vành đai 3 TP. HCM. Trong ảnh là dự án xây mới nút giao Bình Chuẩn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có diện tích khoảng 0,31 km2, vốn đầu tư dự kiến khoảng 571 tỷ đồng. Đây là 1 trong 6 nút giao của dự án, gồm: nút giao với đường Bến Lức - Long Thành; nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; nút giao Tân Vạn; nút giao Bình Chuẩn; nút giao Tỉnh lộ 10; nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Nút giao Bình Chuẩn được thiết kế 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, 8 làn xe cao tốc được xây dựng hoàn chỉnh với vận tốc 100km/h. Phần đường song hành hai bên được bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp với vận tốc 60km/h. Đây là nút giao thông quan trọng do có nhiều xe tải, xe container chở hàng hóa, nguyên liệu từ các nhà máy, khu công nghiệp ở Bình Dương đến các tỉnh, thành lân cận.
Mặt khác, vị trí của nút giao này giao với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là tuyến hiện hữu, có khoảng 15,3km trùng với hướng tuyến Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Tỉnh này cũng đã có kiến nghị mở rộng đường Mỹ Phước Tân Vạn lên 8 làn xe đồng bộ với đường Vành đai 3. Hiện tổng mức đầu tư dự kiến của tỉnh Bình Dương cho dự án Vành đai 3 là 19.280 tỷ đồng.
Đoạn Vành đai 3 qua tỉnh Long An nằm trên địa bàn huyện Bến Lức dài 6,84km, điểm đầu tại ranh giới TP. HCM - Long An, điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương. Dự án sẽ có đường cao tốc vận tốc 100km/h, giai đoạn 1 là 4 làn xe, mặt cắt ngang 19,75m; đường song hành (đường đô thị) vận tốc 60km/h, mỗi bên 2 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 4.208 tỷ đồng. Hiện đoạn gần cao tốc TP. HCM - Trung Lương vẫn đang thi công mặt bằng.
Ngoài ra, khu vực này cũng có nút giao của ba trục giao thông huyết mạch là cao tốc TP. HCM-Trung Lương, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức- Long Thành. Tuy nhiên, công trình này vẫn còn đang dang dở. Trong ảnh là cầu vượt đường dân sinh Mỹ Yên-Tân Bửu hiện chỉ có phần bệ đỡ.
Cuối cùng, dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, có điểm đầu nằm ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch và điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch nối TP Thủ Đức. Hiện đoạn đi qua địa bàn huyện có 2 dự án phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là dự án thành phần 1A và dự án thành phần 4. Đến tháng 10/2023, UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 0,14 km2 trên tổng diện tích hơn 0,49 km2 cần thu hồi, đạt gần 30%, thuộc dự án thành phần 1A. Ngoài ra, huyện cũng đang gặp các khó khăn về nguồn vốn, tính toán chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân vùng dự án.