Theo Reuters, khi các hợp đồng dài hạn của Nhật Bản nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Sakhalin-2 của Nga sắp hết hạn, các nhà sản xuất cạnh tranh đang tận dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống nguồn cung cho Tokyo. Các chuyên gia trong ngành nhận định, trong bối cảnh Nhật Bản hướng tới năng lượng sạch hơn, nhu cầu nhập LNG từ Nga cũng suy giảm.
Nhật Bản hiện là quốc gia nhập LNG lớn thứ hai thế giới, phụ thuộc vào Nga khoảng 9% lượng LNG tiêu thụ, tương đương 6 triệu tấn mỗi năm. Trong số đó, 5 triệu tấn được cung cấp từ các hợp đồng dài hạn với Sakhalin-2, dự án do tập đoàn dầu khí Nga Gazprom kiểm soát.
Dự án cũng có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp Nhật Bản, với các công ty thương mại khổng lồ Mitsui và Mitsubishi, sở hữu tổng cộng 22,5% trong dự án.
Điểm mạnh của Sakhalin-2 là vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách Nhật Bản vài ngày vận chuyển bằng đường biển, so với hơn một tuần từ các nước như Australia, Canada hay Mỹ.
Tuy nhiên, áp lực địa chính trị từ các đồng minh phương Tây và chiến lược giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga khiến Nhật Bản phải cân nhắc việc gia hạn các hợp đồng với Sakhalin-2.
Bên cạnh đó, với nhu cầu điện năng trì trệ và chiến lược tăng cường năng lượng tái tạo, Tokyo dự kiến giảm tỷ lệ LNG trong sản xuất điện từ 33% năm ngoái xuống còn 20% vào năm 2030.
Các hợp đồng dài hạn của Nhật Bản với Sakhalin-2 sẽ hết hạn trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2033, bắt đầu với thỏa thuận cung cấp hàng năm 0,5 triệu tấn của nhà phát điện hàng đầu JERA.
Dù vậy, nhiều công ty vẫn ưa chuộng khí đốt của Nga. Yumiko Yao, giám đốc điều hành LNG của Tokyo Gas, công ty có hợp đồng 1,1 triệu tấn mỗi năm với Sakhalin-2 hết hạn vào năm 2031, cho biết công ty đa dịch vụ này có trách nhiệm xã hội trong việc phục vụ khách hàng.
"Nếu chúng tôi ngừng mua hàng từ Nga, chúng tôi sẽ phải mua hàng từ những nơi khác có thể có giá cao hơn. Nếu ngừng hoàn toàn việc mua hàng từ Nga, tôi nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng của chúng tôi", bà nói.
Sau xung đột tại Ukraina vào năm 2022 và đối mặt với các lệnh trừng phạt, Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu LNG từ các đồng minh như Mỹ, Australia, Malaysia và Oman để đảm bảo các hợp đồng dài hạn.
Các đối thủ LNG của Nga từ Alaska (Mỹ) và Canada đang lên kế hoạch cung cấp LNG cho Nhật Bản, với những dự án mới gần kề thời điểm các hợp đồng Sakhalin-2 hết hạn.
Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan của bang Alaska đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc bốn lần trong hai năm qua để giới thiệu dự án LNG Alaska (chưa được phát triển) cho những người mua châu Á.
"Nguồn tài nguyên đáng chú ý này là một tài sản chiến lược, không chỉ đối với Mỹ và Alaska, mà còn đối với các đồng minh của chúng tôi ở châu Á. Nó sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giúp các đồng minh của chúng tôi ở Nhật Bản và Hàn Quốc thoát khỏi khí đốt Nga", ông nói với Reuters.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho các dự án LNG mới, vốn đã bị dừng lại dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.