Sáng đi học, chiều đi làm, tối đi dạy gia sư: Kiếm 8-10 triệu/tháng, tự mua được xe máy, laptop, điện thoại mà vẫn có dư để tiết kiệm

Ngọc Linh | 15:32 05/07/2024

Với Minh Giang, việc có thể tự mua những thứ cần thiết cho bản thân mà không phải xin tiền bố mẹ chính là thành tựu đầu tiên trong đời.

Sáng đi học, chiều đi làm, tối đi dạy gia sư: Kiếm 8-10 triệu/tháng, tự mua được xe máy, laptop, điện thoại mà vẫn có dư để tiết kiệm

Đến tháng 8/2025, Minh Giang (sinh năm 2003) mới tốt nghiệp đại học. Hiện tại, cô bạn đang là sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Giống như nhiều bạn trẻ khác, Minh Giang cũng đi làm từ sớm, chứ không đợi đến lúc ra trường mới bắt đầu rải CV. 

Ban đầu, mục tiêu đi làm của Minh Giang đương nhiên là để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp. Nhưng sau gần 2 năm vừa đi học, vừa đi làm, Minh Giang cho biết bản thân đã “nghiện” tiết kiệm từ lúc nào không hay.

Có những ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng vì vừa đi làm, vừa ôn thi cuối kỳ

Hồi mới chân ướt chân ráo từ Nghệ An ra Hà Nội nhập học, Minh Giang đã nghĩ ngay tới việc đi làm thêm. Công việc đầu tiên mà cô bạn này làm là chạy bàn cho một quán cà phê với mức lương 18k/giờ. Chăm chỉ làm đủ ca hoặc nhận làm nối ca thay các bạn, mức lương trung bình của Minh Giang thời điểm ấy rơi vào khoảng 3,2 - 3,7 triệu đồng.

bd443204ce1b3adbb2e4adb972847de6.jpg
Ảnh minh họa

“Mình làm nhân viên chạy bàn được khoảng gần 6 tháng thì bắt đầu nhận được lớp gia sư đầu tiên, 2 buổi tối/tuần, mỗi buổi 2 tiếng, lương 200k/buổi. Vừa đi gia sư, vừa đi chạy bàn thì mỗi tháng mình cũng kiếm được 4,8- 5,3 triệu đồng, tạm đủ trang trải cuộc sống sinh viên” - Minh Giang chia sẻ và còn tiết lộ thêm vì bản tính hướng ngoại, nên cô bạn chẳng hề thấy mệt khi vừa đi học, vừa đi làm phục vụ, vừa đi dạy gia sư.

Vậy là từ năm nhất đại học, Minh Giang đã kiếm được 5 triệu đồng mỗi tháng. Sang đến năm thứ 2, nhờ chăm “săn job” trên các group, trang tuyển dụng nên Minh Giang tìm được một công việc part-time vị trí social media.

“Mình mất 2 tháng làm việc ở vị trí Thực tập sinh với mức trợ cấp 2 triệu/tháng. Sau đó được nhận làm nhân viên part-time thì mới được tính lương theo sản phẩm, trung bình khoảng 4,5 triệu/tháng. Đi làm part-time rồi nên mình cũng xin nghỉ công việc chạy bàn, vì còn đi học nữa nên không thể làm 3 công việc cùng lúc được. Nhưng cũng may là nghỉ chạy bàn xong thì mình cũng tìm thêm được lớp gia sư, nên thu nhập còn tăng chứ không giảm” - Minh Giang chia sẻ.

Vào những đợt cao điểm như trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, hay thi cuối kỳ, có những tuần Minh Giang đi dạy 7/7 buổi tối, một phần vì nhu cầu ôn thi của học sinh, một phần vì cô bạn cũng ham kiếm tiền.

“Mình thường nhận 2-3 lớp gia sư, cứ vào mùa thi của là mình vui lắm vì các em học nhiều nên lương của mình cũng tăng. Cộng cả lương gia sư và lương part-time thì có tháng mình kiếm được 10,5 triệu đồng” - Minh Giang kể.

bc01eb4f91606c9b550b6639f018951d.jpg
Ảnh minh họa

Trong suốt gần 2 năm qua, Minh Giang luôn “phân thân” như thế mỗi ngày: Nửa ngày làm sinh viên, nửa ngày làm nhân viên social media, còn đến tối thì vào vai chị giáo. Việc sắp xếp lịch học và lịch đi làm, với Minh Giang không phải vấn đề khó khăn, vì công ty cô làm part-time khá thoải mái với các bạn còn đang đi học, đi làm sáng hay chiều đều được. Khó khăn duy nhất mà Minh Giang phải vượt qua chính là… thiếu ngủ.

“Đến đợt mình thi cuối kỳ thì có những hôm mình chỉ ngủ 3-4 tiếng thôi. Cũng không ít hôm đi học mà không mở nổi mắt, chắc vì thế nên mình ít điểm A lắm, chủ yếu là B hoặc C thôi. Mình nghĩ đây là sự đánh đổi, mình muốn kiếm tiền và muốn đi làm đúng công việc mình thích để CV sau này đỡ trống, nên mình cũng hài lòng với việc GPA không cao lắm. Không phải học lại môn nào là tốt rồi” - Minh Giang vừa cười vừa giải thích.

Thành tựu đầu đời: Tự mua được điện thoại, laptop và đang trả góp xe máy

Đi làm từ rất sớm và thu nhập cũng khá ổn so với mặt bằng chung các bạn sinh viên đi làm thêm, Minh Giang không ngại khoe những tài sản lớn nhất mà bản thân đã tự mua được: Một chiếc iphone 12 ProMax, 1 Macbook Pro và 1 chiếc xe máy đang trả góp.

“Điện thoại và laptop thì mình mua cũ thôi, còn xe máy thì mua mới. Mình đều mua với hình thức trả góp hết. Món đồ đầu tiên mình mua là laptop, vì laptop cũ dùng từ hồi lớp 10 cũng cũ quá rồi, không tải nổi các phần mềm chỉnh sửa ảnh với video một lúc, nên mình quyết định phải đầu tư cái mới. Trả góp laptop xong thì lại đến điện thoại, rồi tới xe máy. Mình mới trả góp xe máy được 3 tháng thôi, trước đó mình đi xe đạp điện không à” - Minh Giang chia sẻ.

Mỗi tháng, bố mẹ sẽ cho Minh Giang 4 triệu đồng, cộng thêm cả tiền lương part-time và lương gia sư, cô bạn có 12-14 triệu đồng để chi tiêu.

chi-phi-co-ban-trong-1-thang-8-.png
Cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm của Minh Giang

Nhìn vào bảng chi tiêu của Minh Giang, có thể thấy phần lớn số tiền mà bố mẹ cho (4 triệu/tháng), cô bạn đều dùng để tiết kiệm hoặc cho vào quỹ dự phòng. Trung bình tiền chi tiêu cơ bản, cố định hết 8.750.000 - chỉ nhỉnh hơn mức thu nhập thấp nhất của Minh Giang 1 xíu.

“Thực ra bố mẹ không chu cấp thì mình vẫn sống được, nhưng nhà mình cũng không quá khó khăn, bố mẹ lo cho mình xong vẫn sống thoải mái, nên mình cũng không có ý định xin bố mẹ ngừng chu cấp cho đến khi tốt nghiệp Đại học. Giờ mình tự lo chi phí sinh hoạt, còn tiền bố mẹ cho thì mình tiết kiệm, dự phòng để đến khi ra trường còn có chút ít lo tiền thuê nhà hoặc trang trải nếu có không may chưa thất nghiệp. 

Vì không chi tiêu phung phí nên mình cũng không cảm thấy áy náy khi kiếm được tiền rồi mà vẫn còn xin tiền bố mẹ hàng tháng.

Hồi mới ra Hà Nội học, mình chưa biết chi tiêu tiết kiệm đâu, cũng ham ăn ham chơi lắm. Đến lúc đi làm thêm ở quán cà phê, chạy bàn cả tiếng mới được có 16k nên thành ra tiêu gì cũng xót, một cái áo một đôi giày cũng bằng mấy chục tiếng đi làm rồi. Từ đó mình chi tiêu mới có kiểm soát hơn” - Minh Giang chia sẻ.


(0) Bình luận
Sáng đi học, chiều đi làm, tối đi dạy gia sư: Kiếm 8-10 triệu/tháng, tự mua được xe máy, laptop, điện thoại mà vẫn có dư để tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO