Sản vật chủ lực của Việt Nam sau 9 tháng bán được hơn 7 tỷ USD, kỳ vọng về đích 10 tỷ USD

Dy Khoa | 18:30 03/11/2024

Kỳ vọng tăng trưởng cuối năm sẽ khả quan.

Sản vật chủ lực của Việt Nam sau 9 tháng bán được hơn 7 tỷ USD, kỳ vọng về đích 10 tỷ USD

Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết dù chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) nhưng hiện cả nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chủ lực này đến hết tháng 9/2024 đạt 7,23 tỷ USD, riêng tháng 9 đạt hơn 900 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD của năm nay là trong tầm tay. 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), vào những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu mua sắm ở các thị trường nhập khẩu tăng. Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng chỉ xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng nhất.

Vasep cho biết Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường "tỷ đô" và đây đều là những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

long-be-vinh-long-10-39-31-128.jpg

Cụ thể, khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiếm khoảng 10%. Thị trường Hàn Quốc với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chiếm khoảng 9%.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy sản) đánh giá, thời gian qua các FTA đã tạo chuyển biến rất tích cực đối với toàn bộ hoạt động ngành thủy sản. Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng tạo động lực đẩy nhanh hiện đại hóa ngành thủy sản, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư khép kín chuỗi sản xuất...

Một số khó khăn cho xuất khẩu thuỷ sản năm nay

Mặc dù có yếu tố thuận lợi nhưng theo các chuyên gia do ảnh hưởng cơn bão số 3, mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 đã trở nên khó khăn hơn.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thống kê chưa đầy đủ có khoảng 19.956ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa, cước phí vận tải, chứng nhận nuôi trồng trên biển hay chi phí nhiên liệu tăng cao đã và đang đặt ra thách thức với ngành thủy sản nói chung và các doanh nghiệp thủy sản nói riêng.

cde-937409.jpg

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Năm 2023, theo thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Năm 2024 được VASEP dự báo, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Ngoài ra sẽ có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu trong năm tới. Một số nhận định về xu hướng thị trường và dự báo xuất khẩu thủy sản như: lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Xung đột và các vấn đề chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản, dẫn đến chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024.

Tại thị trường Mỹ, nhu cầu hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD). Trung Quốc nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp, khó cạnh tranh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sản vật chủ lực của Việt Nam sau 9 tháng bán được hơn 7 tỷ USD, kỳ vọng về đích 10 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO