Sẵn sàng các phương án bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

PV | 07:30 09/12/2022

Các bộ ngành và doanh nghiệp khẳng định đủ hàng hoá đảm bảo phục vụ nhân dân dịp Tết Quỹ Mão 2023; đồng thời kiểm soát chặt chẽ về giá nhằm bình ổn hàng hoá trên thị trường.

Sẵn sàng các phương án bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
Các "nhà" cùng khẳng định đáp ứng nhu cầu về hàng hoá Tết cho bà con. (Ảnh: Int)

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước.

Tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng.

Phát biểu tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kế hoạch đáp ứng lương thực thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản là đảm bảo. Cụ thể, về lúa gạo, ước tính năm 2022, tổng sản lượng cả nước đạt 43,1 triệu tấn thóc, nếu tính về cung-cầu thì cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm 9,3 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,3-6,5 tấn gạo; sản lượng dành cho chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống…

Bên cạnh đó, báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, lượng rau củ quả đạt 19 triệu tấn, tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây ăn quả tăng lên, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu, trong khi lượng thịt gia súc, gia cầm tăng 4% so với năm trước; sữa tươi 1,16 triệu tấn và trứng gia cầm là 18,4 tỷ quả…

Liên quan tới tình hình kiểm soát giá cả, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối dồi dào, đảm bảo ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023.

Đại diện các doanh nghiệp như hệ thống chuỗi Big C và Go! miền Bắc thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho rằng, từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sức mua sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, thị trường sẽ sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch.

"Doanh nghiệp đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý 2/2022 và đã dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm nay, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả khách hàng của mình,” đại diện chuỗi Big C và Go! chia sẻ.

Để đảm bảo đáp ứng đủ hàng hoá cho người dân và bình ổn giá cả thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện tốt một số công việc.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành khác có liên quan tới lĩnh vực quản lý phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan để hỗ trợ, doanh nghiệp và người dân duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, tạo điều kiện về giao thông giúp lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ được xuyên suốt trong thời gian tới…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sẵn sàng các phương án bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO