“Sàn giao dịch nợ VAMC: Chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ”

Dương Trang | 09:28 16/08/2023

VAMC đã thành lập sàn giao dịch nợ, nhưng trên thực tế sàn này hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ.

“Sàn giao dịch nợ VAMC: Chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ”
Sàn giao dịch VAMC chưa thực sự trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ.

Thông tin này được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng chia sẻ với MarketTimes.

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã rao bán tài sản thế chấp, có những ngân hàng rao bán đến lần 2, lần 3. Ông thấy đây là chỉ dấu gì của thị trường?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Gần đây các ngân hàng rao bán tài sản các khách hàng thế chấp món nợ đó nguy cơ sẽ trở thành nợ xấu, điều này là bình thường không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Tuy nhiên, nhìn sâu xa cho thấy, các ngân hàng là những doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, không phải kinh doanh hàng hoá, nên việc ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo là bắt buộc và khi doanh nghiệp thế chấp không trả lại được tiền cho ngân hàng thì họ phải thu giữ tài sản. Thời điểm hiện tại, khi kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, vấn đề nợ xấu đang tăng rất nhanh, họ đang phải thu giữ lô tài sản là tài bảo đảm cho những món nợ xấu mới đang tăng lên.

Khi ngân hàng quản lý tài sản thế chấp thì ngân hàng bán càng sớm càng tốt, bởi họ sợ giá trị suy giảm và họ đang nắm giữ nhiều tài sản không phải ngành nghề kinh doanh của họ. Đây là một hiện tượng mà họ cho rằng vấn đề nợ xấu đang tăng và thị trường đang ở trong giai đoạn rất khó khăn.

Như vậy, theo tôi việc các ngân hàng tăng tốc bán các tài sản thế chấp là dấu hiệu có thể họ nhìn nhận thị trường tiếp tục xuống dốc, giá trị tài sản thế chấp giảm đi, nên bán càng sớm càng tốt để thu hồi lại tài sản dễ trở thành nợ xấu.

Việc VAMC được thành lập được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức tín dụng mua bán nợ xấu. Thời gian qua sàn mua bán nợ này hoạt động như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Trước đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đã đóng góp tích cực vào mua bán nợ xấu, đã góp phần làm giảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hồi năm 2021, VAMC đã thành lập sàn giao dịch nợ, nhưng trên thực tế sàn này hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa trở thành “chợ” sôi động có nhiều thành phần tham gia. Sàn giao dịch của VAMC chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ.

Ông vừa nói vấn đề sàn giao dịch nợ chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp, ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc chưa trở thành sân chơi vì vấn đề chuyển nhượng tài sản bảo đảm đứng sau nợ xấu. Nhiều phòng công chứng không chứng nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm, họ chỉ công chứng tài sản bảo đảm chuyển giao nếu có mua bán thật. Bên cạnh đó, mua bán nợ tại Việt Nam chưa được phổ biến, chẳng hạn như ở Mỹ, chợ mua bán nợ rất phổ biến và họ sẵn sàng bán nợ đi với một tỷ lệ chiết khấu rất lớn, có thể từ 10-90%. Những người mua nợ không nhắm vào món nợ đó vì món nợ đó rất xấu, họ nhắm vào tài sản đứng đằng sau món nợ. Do vậy, việc chuyển nợ phải hết sức nhanh chóng, người mua nợ mới mạnh dạn mua. Bên mua nợ còn lo ngại, mua xong rồi không biết đến khi nào nhận được tài sản thế chấp, bởi vấn đề thực hành mua bán nợ nó không theo thông lệ quốc tế tại Việt Nam, nó làm trở ngại vấn đề chuyển nhượng tài sản.

Tại các nước phát triển, sàn giao dịch nợ sôi động cũng có yếu tố chị trường, thị trường sôi động giá trị tài sản tăng và tất cả giá trị tài sản khác cũng tăng, tạo thành chợ sôi động, còn Việt Nam là chợ trầm lắng bởi GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ở mức hơn 3,7%. Nền kinh tế trì trệ thì tất cả giao dịch trì trệ. Chính vì thế mà các ngân hàng đang phải ôm tài sản bảo đảm lớn, nên họ đang tìm cách bán giá rẻ và tăng tốc bán để xử lý tài sản đang nắm giữ.

Kinh nghiệm nào để sàn giao dịch nợ của VAMC hoạt động hiệu quả, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để sàn giao dịch nợ này hoạt động hiệu quả, theo tôi cần vấn đề: Thứ nhất là cần hành lang pháp lý cho chuyển nhượng nợ và chuyển nhượng tài sản bảo đảm đứng đằng sau các món nợ phải thay đổi nhanh chóng và tạo ra các vấn đề chuyển nhượng các món nợ từ tay người này sang người khác, trong đó có tài sản bất động sản. Trên thực tế, việc chuyển nhượng nhanh chóng thì mới hấp dẫn người mua. Phần lớn người mua nợ nhắm vào tài sản bảo đảm mà thấy tài sản bảo đảm hấp dẫn, có giá trị tốt để họ sở hữu tài sản đó. Chừng nào hành lang pháp lý còn khó khăn thì thị trường nợ hãy để VAMC, các nhà quản lý và ngân hàng họp với nhau tự bàn giải pháp khắc phục.

Thứ hai, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, vì họ có nguồn lực mạnh, chỉ khi có họ tham gia thì thị trường mới sôi động. Nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia phải thay đổi luật lệ để họ sở hữu tài sản bảo đảm là các bất động sản. Nếu tình trạng cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ, nhưng tài sản bảo đảm là bất động sản lại phải nhờ ngân hàng nào quản lý, bởi theo Luật Nhà ở người nước ngoài không được sở hữu tài sản đất đai trên đất Việt Nam. Như vậy, để người nước ngoài mua nợ thì Luật cũng phải thay đổi. Đây là khó khăn nhất, vì người ngoài chưa được sở hữu, chỉ cho Việt kiều mua nhà ở Việt Nam.

Thứ ba, cần mở rộng thị trường và cho nhiều đối tượng tham gia thị trường. Không những cho doanh nghiệp mà cho cả cá nhân có tiền họ vào mua sàn nợ, để họ có thể vào sàn nợ, thu mua và nắm giữ các tài sản nợ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Sàn giao dịch nợ VAMC: Chưa trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp mua bán nợ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO