Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB; HoSE: OCB) cho thấy, thu nhập lãi thuần – thu nhập chính của OCB đạt 1.817 tỷ đồng tăng 6,8% so với cùng kỳ; Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 275 tỷ đồng tăng 7,7% so với cùng kỳ; Lãi/lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 62 tỷ đồng, tăng 672% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Lãi/lỗ thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 801 triệu đồng, giảm 101% so với cùng kỳ; Lãi/lỗ thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 203 tỷ đồng, tăng “phi mã” so với con số lỗ 275 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực giúp lợi nhuận trước thuế của OCB trong quý 2/2023 đạt 1.576 tỷ đồng, tăng 74,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng OCB có lợi nhuận sau thuế đạt 2.047 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả kinh doanh tích cực giúp tổng tài sản của ngân hàng OCB tiếp đà tăng trưởng. Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của nhà băng này đạt 211.291 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ; Vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên ở mức 15.401 tỷ đồng so với đầu năm; Cho vay khách hàng đạt 125.644 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, ngân hàng OCB dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà NHNN phê duyệt. OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Như vậy, với kết quả đạt được lợi nhuận trước thuế đạt 1.576 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng OCB mới chỉ đạt được 20,8% mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Nếu không có sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 6 tháng cuối năm 2023, rất khó để ngân hàng OCB hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận trước thuế đã đề ra.
Bất chấp việc ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng tích cực, bức tranh kinh doanh của ngân hàng OCB vẫn phủ “nốt trầm” mang tên nợ xấu nội bảng. Theo đó, nợ xấu nội bảng của ngân hàng OCB tăng “phi mã” trong quý 2/2023. Cụ thể, Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức 1.309 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đạt mức 1.276 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ; Nợ nhóm 5 ( nợ có khả năng mất vốn) đạt mức 1.475 tỷ đồng, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng OCB tính đến hết ngày 30/6/2023 là 4.061 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này cũng tăng “phi mã” lên mức 3,18%, con số này cùng kỳ năm 2022 chỉ ở mức 1,96%.
Với mục tiêu đề ra, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% của ngân hàng OCB đề ra đầu năm, nhà băng này sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong 6 tháng cuối năm 2023 để hoàn thành mục tiêu của mình.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng ngày 10/8, giá cổ phiếu OCB đang giao dịch ở ngưỡng 19,800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá giao dịch cao nhất trong vòng 1 năm qua của mã cổ phiếu OCB.