Sân bay đầu tiên của Việt Nam nằm hoàn toàn trên vùng nước ven bờ: Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần thiết đầu tư

Nguyệt Lượng | 08:40 16/09/2024

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng.

Sân bay đầu tiên của Việt Nam nằm hoàn toàn trên vùng nước ven bờ: Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần thiết đầu tư
Tỉnh Khánh Hoà (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)

Báo Khánh Hòa đưa tin, ngày 13/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp nghe UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Vân Phong. 

Theo báo cáo, vị trí sân bay nghiên cứu quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, cách TP. Nha Trang khoảng 65km về phía nam, cách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khoảng 101km về phía nam, cách Cảng hàng không Tuy Hòa khoảng 49km về phía bắc. 

Tổng diện tích đất quy hoạch hơn 497ha. Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Khu vực này không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão nên thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến năm 2029.

Tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng. Cảng hàng không được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn ICAO cấp 4E, sân bay quân sự cấp I, đường cất hạ cánh dài hơn 3km, quy mô công suất khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. 

f2a7486407d2a08cf9c3_20240913114120_20240913121342(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Khánh Hoà)

Buổi họp cho biết, trong Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ghi rõ: “Ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết nối hạ tầng trên địa bàn, trong đó có các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư”. 

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có nội dung: “Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không”, trong đó có vị trí tiềm năng tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. 

Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318 ngày 29-3-2023 có nội dung: “Nghiên cứu định hướng khu vực xây dựng cảng hàng không gắn với phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế - xã hội (vốn đầu tư ngoài ngân sách)”. 

Trong Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có ghi: “Quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vân Phong tại khu vực xã Vạn Thắng với quy mô sử dụng đất dự trữ (lấn biển) khoảng 500ha”.

Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng việc nghiên cứu lập Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đặt ra và định hướng phát triển chung của thế giới. 

Đây là tiền đề và là cơ sở rất quan trọng để thực hiện quy hoạch, xây dựng Cảng hàng không Vân Phong trong thời gian tới, góp phần thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông” theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần phát triển khu vực vịnh Vân Phong là 1 trong 3 vùng trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp. 

Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ, logistics, tăng cường khả năng kết nối vùng, kết nối với quốc tế, góp phần quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ của Khu kinh tế Vân Phong, của tỉnh Khánh Hòa và cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

f2a7486407d2a08cf9c3_20240913114120_20240913121342.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng kết luận buổi làm việc (Ảnh: Báo Khánh Hoà)

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thống nhất quan điểm về sự cần thiết đầu tư Cảng hàng không Vân Phong tại Khánh Hòa. 

Bộ trưởng yêu cầu Sở Giao thông vận tải cùng đơn vị tư vấn phải nghiên cứu, đánh giá sâu hơn, kỹ hơn về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc hình thành Cảng hàng không Vân Phong; đánh giá được nhu cầu hành khách, hàng hóa trong nước và quốc tế. 

Đơn vị tư vấn cần rà soát một số yếu tố về kỹ thuật, giải pháp thiết kế để tính toán, đưa ra sơ bộ tổng mức đầu tư cho phù hợp; xem xét, cân nhắc việc đề xuất nguồn vốn đầu tư cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi triển khai đầu tư. 

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần khẩn trương đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chính trong Khu kinh tế Vân Phong để đưa vào khai thác cùng thời điểm với công trình cảng hàng không. Bộ trưởng cũng gợi ý Khánh Hòa nên làm cảng hàng không quốc tế bởi khu vực Vân Phong đang hướng đến phục vụ du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Tấn Tân đã tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc và đề nghị các sở, ngành, đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện đề án theo nội dung góp ý để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm nay.


(0) Bình luận
Sân bay đầu tiên của Việt Nam nằm hoàn toàn trên vùng nước ven bờ: Bộ Giao thông vận tải thống nhất cần thiết đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO