Rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng phương thức D/P

Linh Khang | 23:04 09/03/2022

Có 5 ngân hàng của Việt Nam liên quan trong vụ 36 container hạt điều xuất khẩu sang Italia có nguy cơ bị lừa đảo và đây là cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P).

Rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng phương thức D/P
D/P là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ và là một trong những phương thức thanh toán trong giao dịch thương mại quốc tế.

Thực tế ban đầu có tới 17 doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italia, tuy nhiên, khi hàng đã rời cảng tại Việt Nam một số doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo đã bay sang Singapore - cảng trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Italia và yêu cầu dừng vận chuyển nên một số container chưa được chuyển đi. Chỉ có 36 container đã được chuyển đi do không kịp dừng.

Cụ thể là 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).

D/P là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ. Tức là người xuất khẩu chỉ định ngân hàng xuất trình chỉ giao các chứng từ cho người nhập khẩu nếu người nhập khẩu thanh toán đầy đủ hóa đơn hoặc hối phiếu kèm theo. Người  nhập khẩu chỉ có thể nhận được chứng từ ngay tại thời điểm họ đã thanh toán tiền cho ngân hàng.

Như  vậy người nhập khẩu không phải đặt cọc trước. Đây phương thức nhờ thu được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.

Với phương thức D/P sẽ có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán tiền và việc nhận hàng của bên mua. Theo đó, phía ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa nếu người mua chưa thanh toán tiền.

Phương thức D/P đem lại rủi ro cho người bán vì bên bán phải thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua nhưng không khống chế được việc trả tiền của người mua.

Nhiều trường hợp hàng hoá đến cảng và người mua tìm cách kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ. Trong trường hợp thị trường bất lợi người mua có thể không nhận hàng hóa và không thanh toán tiền nên rủi ro vẫn thuộc về bân bán hàng.

Theo điều kiện D/P, người xuất khẩu kiểm soát được hàng hóa (thông qua ngân hàng) cho đến khi người nhập khẩu thanh toán. Nếu người nhập khẩu không thể thanh toán hoặc từ chối thanh toán người xuất khẩu còn có thể: Kháng nghị hối phiếu và đưa người nhập khẩu ra tòa; Chờ hàng quay về nước; Tìm người mua khác; Thu xếp để bán đấu giá.

Đối với việc tìm người mua khác và bán đấu giá lại số hàng hóa đó, giá bán hàng có thể sẽ bị giảm thấp, nhưng vẫn giảm thiểu được thiệt hại so với việc chở hàng quay trở về.

Trong vụ lô hàng hạt điều lần này các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua bên thứ 3 là một công ty môi giới. Nhưng việc thanh toán hay không không liên quan vì bên môi giới không có trách nhiệm thanh toán cho đơn hàng.

Ngoài ra, phương thức D/P còn có thể rủi ro cho cả bên bán và bên mua nếu hồ sơ gốc bị thất lạc ngoài mong muốn của cả hai bên.

Rủi ro nữa là bên nào có bộ hồ sơ gốc sẽ nhận được hàng từ các hãng tàu vận chuyển và hãng tàu không cần biết đó có phải là bên mua hàng hay không.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng phương thức D/P
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO