Theo đó, trên tổng số doanh thu hoạt động 2.245 tỷ đồng của Chứng khoán SSI trong quý 2/2024, mảng tự doanh đóng góp nhiều nhất đến 47% tổng doanh thu khi mang về gần 1.035 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ.
Tiếp đến, mảng doanh thu môi giới cũng đóng góp lớn khi mang về cho SSI hơn 560 tỷ đồng, tăng 66%; lãi từ cho vay, phải thu đóng góp 512 tỷ đồng, tăng 43%; lãi từ các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn giảm 33% về mức 89 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động tài chính cũng thu về cho SSI 65 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2023.
Về chi phí hoạt động của doanh nghiệp, chi phí dành cho nghiệp vụ môi giới trong kỳ đã tăng nhẹ đạt con số 357 tỷ đồng so với cùng kỳ 312 tỷ đồng; chi phí hoạt động tự doanh tăng gấp 3,2 lần lên mức 49 tỷ đồng; lỗ tới từ tài sản tài chính tăng gấp 12 lần lên mức 384 tỷ đồng, các chi phí khác đều giảm. Tổng cộng, loạt chi phí hoạt động đã tiêu tốn của SSI hơn 825 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 414 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính của Chứng khoán SSI lại ghi nhận giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái về mức 387 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng tiết giảm hơn 30% về con số trên 56 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, trong quý 2/2024 vừa qua SSI đã lãi sau thuế trên 835 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất của công ty chứng khoán này kể từ năm 2022 đến nay. Trước đó, mức lãi kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng của công ty chứng khoán này được ghi nhận vào quý 4/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI báo lãi trước thuế đạt 1.941 tỷ đồng (+56%), lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng đạt 1.563 tỷ (+55%). Với mục tiêu năm 2024 có lợi nhuận trước thuế đạt 3.398 tỷ đồng, sau 6 tháng đầu năm, chỉ riêng công ty mẹ SSI đã thực hiện được gần 60% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Về cơ cấu tài sản, tính đến hết quý 2/2024, tổng tài sản của công ty mẹ SSI đạt gần 70.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt gần 24.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin đến cuối quý II của công ty này đã đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý liền trước và tăng gần 34% so với cuối năm 2023.
Xét về các khoản đầu tư, SSI hiện đang dành phần lớn danh mục đầu tư cho các cổ phiếu ngân hàng khi đầu tư vào cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) đến 831 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thứ hai là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) với gần 96 tỷ đồng. Có giá trị thấp nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được SSI nắm là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, giá trị nắm giữ đạt trên 33 tỷ đồng. Đồng thời, SSI cũng đang sở hữu khối lượng lớn cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi cũng có tỷ trọng lớn trên tổng tài sản của SSI khi đạt hơn 37,7 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 53,7% tổng tài sản. SSI cho biết, trong số trái phiếu thuộc nhóm tài sản tài chính FVTPL tại ngày 30/6 có 18.050.750 trái phiếu có giá trị mệnh giá là 8.518 tỷ đồng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn của Công ty.
Trong số 23.282 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi thuộc nhóm tài sản tài chính FVTPL tại ngày 30/6, có 21.700 tỷ đồng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn của Công ty và giá trị đảm bảo thanh toán cho chứng quyền của công ty phát hành là hơn 809 tỷ đồng.