Theo đó, một số điểm nhấn được chú ý tại dự thảo như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tăng hỗ trợ đất đai, mặt bằng kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp; cho vay vốn rẻ là những chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân.
Trong những điểm nhấn trên, được quan tâm nhất là nội dung về việc phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân, và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Theo đó, với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Việc này nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Đây là điểm được các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia đồng thuận cao.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng quy định này giúp doanh nhân, doanh nghiệp nếu vi phạm, họ có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại và quay trở lại kinh doanh để đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng quy định hoạt động thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân được chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cụ thể, việc thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp hộ kinh doanh không quá một lần trong năm (trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng). Hành vi lạm dụng thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử nghiêm. Quy định này thể hiện bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, trừ trường hợp vi phạm phải thanh tra theo yêu cầu, vụ việc bắt buộc.
Về tình hình phát triển của khối kinh tế tư nhân, Việt Nam đang có trên 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lao động và khoảng 50% GDP. Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách, giải quyết 84-85% việc làm và năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.
Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã nhận được sự chú ý quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong công tác kiến tạo thể chế. Đáng chú ý nhất phải kể đến việc mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong bài viết Động lực mới cho phát triển kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Nghị quyết 68 định hình quan điểm mới của Đảng về thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng nhất phát triển kinh tế thời gian tới.
Song để phát triển kinh tế tư nhân, theo Tổng Bí thư vấn đề cốt lõi là tiếp tục hoàn thiện thể chế, thay đổi về tư duy và hành động. Ông yêu cầu Việt Nam cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân và sửa các quy định liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Nghị quyết 68.
"Việt Nam cần thiết lập hệ thống cạnh tranh công bằng, xác định rõ danh sách các hành vi tác động tiêu cực đến tiếp cận thị trường và phân biệt đối xử trong cạnh tranh với kinh tế tư nhân", Tổng Bí thư nêu.