Quốc gia ôm mộng tạo ra nhà máy pin xe điện lớn nhất châu Âu: Thuộc dự án mang tầm cỡ 20 tỷ euro, bằng mọi giá phải hoàn thiện

Vũ Anh | 15:58 19/09/2023

Không một nơi nào trên thế giới thúc đẩy sản xuất pin nhanh hơn Hungary, theo Bloomberg.

Quốc gia ôm mộng tạo ra nhà máy pin xe điện lớn nhất châu Âu: Thuộc dự án mang tầm cỡ 20 tỷ euro, bằng mọi giá phải hoàn thiện

Gần thành phố Debrecen miền đông Hungary, đội công nhân đội mũ cứng đang cố gắng đổ bê tông làm móng cho nhà máy sản xuất pin xe điện lớn nhất châu Âu. Dự án quy mô lớn của CATL chính là ‘viên ngọc quý’ trên chiếc ‘vương miện đầu tư’ trị giá 20 tỷ euro (21,3 tỷ USD) mà Thủ tướng Viktor Orban kỳ vọng có thể giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Không một nơi nào trên thế giới thúc đẩy sản xuất pin nhanh hơn Hungary, theo Bloomberg. 

Dự án mang quy mô 1 sân bay trị giá 7,8 tỷ USD mà CATL bắt tay xây dựng cùng Mercedes-Benz AG chính là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất lịch sử. Gần khu vực này, hai nhà cung cấp pin khác cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy.

Bất chấp giá trị kinh tế khổng lồ, kế hoạch trên vẫn vấp phải một số lo ngại xoay quanh tình trạng mất đất nông nghiệp, tổn hại nguồn nước cũng như xử lý lượng lớn pin đã qua sử dụng. Các nguyên liệu độc hại như lithium cũng có thể khiến công nhân gặp một số vấn đề về sức khỏe. 

“Không ai hỏi chúng tôi có thực sự muốn nhà máy này không. Đây là một phần của quá trình chuyển đổi xanh, nhưng những gì chúng tôi thấy lại là môi trường làm việc độc hại. Mọi người đang sợ hãi”, Zoltan Timar, thị trưởng Fidesz của Mikepercs, vùng ngoại ô Debrecen gần nhà máy CATL nhất, cho biết. 

Đáp lại, CATL nói họ biết mình đang làm gì, đồng thời cam kết vận dụng kinh nghiệm sâu rộng để đảm bảo chất ô nhiễm không xả thải vào không khí hoặc nguồn nước. Phía công ty cũng muốn hợp tác với chính quyền địa phương để ngăn chặn rủi ro ô nhiễm bên ngoài nhà máy.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng của ông Timar không dễ mà biến mất. Xe điện rõ ràng được ca ngợi là một biện pháp cắt giảm khí thải song dường như chính phủ đang quá tập trung vào lợi ích kinh tế thay vì môi trường. 

Dưới thời Thủ tướng Viktor Orban, Hungary thực hiện mọi thứ một cách khá trọn vẹn. Theo dữ liệu của BloombergNEF, chỉ trong vài năm nữa, quốc gia với chưa đầy 10 triệu dân này sẽ trở thành nhà sản xuất pin lớn thứ tư trên toàn cầu, sau Trung Quốc, Mỹ và Đức.

Hungary hiện có 6 nhà máy pin đang trong quá trình sản xuất hoặc xây dựng. Ngoài ra, khoảng 20 công ty khác nằm trong chuỗi sản xuất cũng đã mở phân xưởng.

Nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động nằm trên bờ sông Danube phía bắc thủ đô Budapest. Tập đoàn Samsung SDI của Hàn Quốc đã chuyển đổi nhà máy sản xuất màn hình plasma nhằm tập trung sản xuất pin xe điện vào năm 2017.  

127eb4b675a5383387aff6f8d2cec6187fb6f3e5.jpg
Không một nơi nào trên thế giới thúc đẩy sản xuất pin nhanh hơn Hungary, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, nhà máy giáp ranh với khu dân cư và gần như ngay lập tức, người dân bắt đầu lên tiếng về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và nguồn nước. Chính quyền địa phương không quan tâm trong khi công ty tiếp tục thúc đẩy sản xuất. Samsung SDI đã tăng gấp đôi quy mô đầu tư.

Giáo viên Julianna Lam Palla ở Göd từng phàn nàn về mùi “cá thối” bốc ra từ vòi nước sinh hoạt. Không tìm ra được bằng chứng cụ thể chứng minh trách nhiệm thuộc về nhà máy pin song việc bị quan chức địa phương phớt lờ trong nhiều năm đã khiến người phụ nữ này buộc phải rời đi. 

“Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự tức giận và vỡ mộng”, Lam Palla nói.

“Chúng tôi biết họ đang gây ô nhiễm, nhưng chính quyền một mực không chấp nhận thực tế”, Zsuzsa Bodnar, phó chủ tịch nhóm môi trường địa phương Göd-ERT nói.  Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nước máy tại khắp 19 quận Hungary đều chứa lithium. Samsung SDI, sau 5 năm hoạt động, hiện đang thực hiện một nghiên cứu toàn diện về tác động của nhà máy, đồng thời nỗ lực giảm thiểu những lo ngại về môi trường. Họ chứng minh nguồn nước không chứa bất kỳ chất độc hại nào và hợp tác chặt chẽ với chính quyền Hungary.

Trong khi đó, giới chức nhấn mạnh rằng nếu muốn vực dậy nền kinh tế, đất nước cần phải đi đúng kế hoạch. Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto khẳng định Hungary sẽ trở thành người chiến thắng trong quá trình chuyển đổi xanh.

Được biết, nhà máy CATL ở Debrecen có quy mô gấp 7 lần nhà máy của công ty tại Đức. Công ty cho biết việc sản xuất sẽ bắt đầu trong vòng 3 năm nữa trong khi Laszlo Papp, thị trưởng thành phố, mô tả khu vực này là “sự kết hợp giữa ngành ô tô Tây Âu và công nghiệp pin”.

Tuy nhiên, người dân lúc này đang vô cùng lo ngại những tác động lên môi trường. Các nhà máy pin cần một lượng nước lớn để làm mát trong khi Debrecen không gần sông hay hồ. Ông Papp khẳng định thành phố sẽ không gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu song một nghiên cứu mới đây lại dự đoán rằng nguồn nước thành phố có thể dần cạn kiệt.

“Vấn đề không phải đưa Hungary trở thành nhà vô địch thế giới về sản lượng pin. Điều này chỉ tích cực đối với nền kinh tế nếu chúng bền vững về mặt môi trường”, Peter Kaderjak, người đứng đầu nhóm vận động hành lang về pin của Hungary nói. 

Đáp lại, chính quyền Hungary đã có động thái tích cực. Họ đình chỉ một công ty tái chế pin SungEel Hitech Co. Ltd của Hàn Quốc do vi phạm an toàn cộng đồng, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư mới phải thực hiện một loạt các nghiên cứu về môi trường trước khi xuống tiền. Tại Debrecen, thành phố cũng đang cho xây dựng các trạm giám sát không khí và nước để phát hiện sớm bất kỳ loại ô nhiễm tiềm ẩn nào.

Theo: Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quốc gia ôm mộng tạo ra nhà máy pin xe điện lớn nhất châu Âu: Thuộc dự án mang tầm cỡ 20 tỷ euro, bằng mọi giá phải hoàn thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO