Quốc gia hơn 1,4 tỷ người đón 'tin vui' bất ngờ: Lĩnh vực quan trọng lập kỷ lục thế giới, vượt mặt Mỹ, Nhật Bản và Đức giữa rủi ro rơi vào thập kỷ mất mát

Vu Lam | 13:50 13/01/2025

Số liệu hoạt động thương mại trong tháng 12 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ghi nhận mức tăng vượt xa dự báo. Hơn nữa, thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng vượt các cường quốc xuất khẩu khác.

Quốc gia hơn 1,4 tỷ người đón 'tin vui' bất ngờ: Lĩnh vực quan trọng lập kỷ lục thế giới, vượt mặt Mỹ, Nhật Bản và Đức giữa rủi ro rơi vào thập kỷ mất mát

Dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu trong tháng 12 đã tăng 10,7% tính theo giá USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số liệu trong cuộc thăm dò của Reuters chỉ tăng 7,3%. Trong tháng 11, mức tăng ghi nhận là 6,7% và 12,7% trong tháng 10.

Thặng dư thương mại của quốc gia này cũng đạt gần 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, khi hàng hoá “Made in China” tràn ngập toàn thế giới. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức cao nhất thế giới trong thế kỷ qua, thậm chí vượt cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ. Các nhà máy Trung Quốc đang “thống trị” ngành sản xuất toàn cầu với quy mô chưa nước nào đạt được kể từ khi Mỹ có thành tích tương tự sau Thế chiến II. 

Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu tăng trưởng 1,0% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với mức giảm của 2 tháng trước đó. Các nhà phân tích dự báo hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10 và tháng 11 ghi nhận mức tăng lần lượt là 2,3% và 3,9%. 

Theo các quan chức hải quan, xuất khẩu xe điện và chất bán dẫn tăng lần lượt 13,1% và 18,7% vào năm ngoái.

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu tính theo giá Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 7,1% so với năm trước, trong khi năm 2023 chỉ tăng 0,6%, cơ quan hải quan nước này cho biết. Kim ngạch nhập khẩu tăng 2,3% trong năm ngoái, hồi phục sau mức giảm 0,3% vào năm 2023. 

Zichun Huang, nhà kinh tế thị trường Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định động lực xuất khẩu có thể sẽ duy trì được sức bật trong ngắn hạn, nhờ thị phần toàn cầu của Trung Quốc ở mức lớn và đồng Nhân dân tệ yếu. 

Bruce Pang, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, lại cho rằng triển vọng xuất khẩu trong năm nay có vẻ kém lạc quan hơn vì rủi ro Mỹ tăng áp thuế với hàng hoá Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến động lực của lĩnh vực này. Trong ngắn hạn, khối lượng nhập khẩu dự kiến cũng sẽ hồi phục nhờ nhu cầu với hàng hoá công nghiệp tăng lên và chi tiêu tài chính được thúc đẩy nhanh. 

Lĩnh vực bất động sản suy thoái kéo dài đã ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa của Trung Quốc, theo đó hoạt động xuất khẩu đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà kinh tế dự báo xuất khẩu đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm ngoái.

Theo CNBC, xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, khi căng thẳng thương mại với các đối tác chính trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, động lực này có thể mất đà sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, khi ông cam kết áp thêm 10% thuế với toàn bộ hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. 

Kể từ cuối tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh các động thái hỗ trợ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất chính sách, nới lỏng các quy định hạn chế với hoạt động mua bán bất động sản, bơm thanh khoản vào thị trường tài chính và đưa ra chương trình hoán đổi nợ để giảm áp lực tài chính cho các chính quyền địa phương. 

Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định những động thái kích thích kinh tế này vẫn chưa đủ. Gabriel Wildau, giám đốc điều hành tại Teneo, giải thích rằng Bắc Kinh vẫn cần “phương án dự phòng” để đưa ra phản ứng quy mô lớn nếu tác động của việc Mỹ tăng thuế trở nên căng thẳng hơn. 

Số liệu GDP năm 2024 và quý IV của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ghi nhận mức tăng trưởng 5,1% trong quý cuối cùng của năm ngoái. 

Trong năm 2025, Bắc Kinh cam kết sẽ đặt mối ưu tiên hàng đầu đối với việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong khi chi tiêu tài khoá mạnh tay hơn để hỗ trợ cho hoạt động tiêu dùng, nâng cấp chính sách mua hàng. Được triển khai từ tháng 7 năm ngoái, chương trình này khuyến khích người tiêu dùng đổi xe cũ hoặc đồ gia dụng cũ và mua hàng hoá mới với mức giá chiết khấu.  

Tham khảo CNBC


(0) Bình luận
Quốc gia hơn 1,4 tỷ người đón 'tin vui' bất ngờ: Lĩnh vực quan trọng lập kỷ lục thế giới, vượt mặt Mỹ, Nhật Bản và Đức giữa rủi ro rơi vào thập kỷ mất mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO