Quyết định này của BOT lại không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của các quan chức. BOT cho biết, uỷ ban chính sách của ngân hàng đã bỏ phiếu với 5 phiếu thuận và 2 phiếu chống với quyết định hạ lãi suất chính sách từ 2,5% xuống 2,25%.
Động thái này không phù hợp với các dự báo trước đó, khi 8/11 nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát dự kiến BOT chưa điều chỉnh lãi suất. Chỉ có 3 người dự báo mức cắt giảm 25 điểm phần trăm.
Kể từ tháng 9 năm ngoái, BOT đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ, song phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc hạ chi phí đi vay để vực dậy nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã chỉ ra mối lo ngại về mức nợ hộ gia đình cao nhưng vẫn cảnh giác về việc nới lỏng quá sớm. Họ lựa chọn ưu tiên việc ổn định tài chính hơn tăng trưởng.
Hầu hết các thành viên uỷ ban chính sách tiền tệ của BOT đã bỏ phiếu về việc quyết định hạ lãi suất nhằm giảm gánh nặng cho người đi vay. BOT cho biết thêm, lãi suất thấp hơn vẫn ở mức trung lập và không gây cản trở cho hoạt động đi vay, khi tăng trưởng cho vay dự kiến sẽ chậm lại.
Trong một thông báo trước đó, BOT nói rằng khả năng trả nợ đang yếu đi đối với các hộ gia đình thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Họ cũng lưu ý, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục giảm, cho thấy mối lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Eugene Tan, nhà kinh tế cộng tác tại Moody’s Analytics, đưa ra nhận định trước cuộc họp ngày 16/10: “Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm gánh nặng đi vay và khi nền kinh tế nhận được biện pháp kích thích, tăng trưởng tiền lương và chất lượng tín dụng sẽ được cải thiện.”
BOT vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế xứ chùa Vàng, kỳ vọng mức 2,7% và 2,9% vào năm 2024 và 2025. Ngoài ra, lạm phát lõi có khả năng duy trì ở mức thấp nhưng lạm phát cơ bản sẽ dần trở lại mức mục tiêu vào cuối năm 2024.
Quyết định đưa ra ngày 16/10 của BOT cũng tương tự với nhiều ngân hàng khác ở châu Á. Ví dụ, ngân hàng trung ương Philippines cũng hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm vào hôm nay và Indonesia giữ nguyên song sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9.
Triển vọng kinh tế của Thái Lan đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng, gây rủi ro cho lĩnh vực du lịch và thương mại - những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Theo Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics, BOT có nhiều động lực để cắt giảm thêm trong những tháng tới.
Ông chỉ ra, Thái Lan đã chứng kiến đà hồi phục sau đại dịch chậm nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng chỉ cao hơn 1 chút so với trước khủng hoảng. Ngoài ra, đà tăng trưởng có thể vẫn ở mức thấp trong những tháng tới, do nhu cầu toàn cầu yếu hơn và tăng trưởng du lịch chậm chạp.
Tham khảo WSJ