Ngày 27/1, Hà Lan đã ký một thỏa thuận với Mỹ tại Washington để hạn chế việc bán thiết bị sản xuất vi mạch tiên tiến cho Trung Quốc. Hà Lan là quê hương của ASML - nhà sản xuất máy in vi mạch hàng đầu thế giới. Bị Chính phủ Mỹ gây áp lực, người Hà Lan đã đưa ra một thỏa thuận chính trị bao gồm cả Nhật Bản nhằm mục đích hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc bắt kịp các công nghệ chip quan trọng.
Theo tờ Politico, thỏa thuận này đặt quốc gia Tây Âu 17,5 triệu dân vào trung tâm của cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nó cũng khiến các đối tác châu Âu khác trở thành người ngoài cuộc, bất lực trong việc can thiệp.
Các nhà phê bình lập luận rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) không có phản ứng khiến cho khối này dễ bị Trung Quốc trả đũa. "Sẽ không điên rồ khi nghĩ rằng Trung Quốc cũng có thể trả đũa các nước EU khác nếu Hà Lan đưa ra quyết định chống lại Bắc Kinh", một nhà ngoại giao EU cho biết.
Những người khác than thở rằng, thỏa thuận này làm cho EU trông yếu đi trong mối quan hệ với Mỹ. “Lợi ích của [Mỹ] là chỉ phải đối phó với Hà Lan hơn là với toàn bộ EU”, Julian Ringhof - thành viên tổ chức tư vấn chính sách (công nghệ) thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Berlin - nhận định.
Nó khiến các nước EU dễ bị Mỹ “bắt nạt”, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã cảnh báo trong một cuộc hội thảo vào giữa tháng 1.
Chính phủ Đức hôm 29/1 cho biết, đây là "vấn đề của người Hà Lan".
Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan chỉ tham gia rất ít vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hà Lan - cho biết, họ không muốn bình luận về thỏa thuận này, nhưng vẫn giữ "liên hệ chặt chẽ" với các nước EU và các đồng minh về việc kiểm soát xuất khẩu.
EU yếu thế trong cuộc chiến thương mại
Theo tờ Politico, quyết định của Hà Lan phơi bày điểm yếu của EU trong cuộc chiến thương mại toàn cầu nhằm vào các công nghệ nhạy cảm.
Kiểm soát xuất khẩu đã trở thành công cụ nhằm vào Trung Quốc của Mỹ. Washington đã làm như vậy với thiết bị 5G của gã khổng lồ Trung Quốc Huawei, và đã mở rộng chiến lược đó sang nhiều loại công nghệ, với chip là mục tiêu kiểm soát, do tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó.
Tuy nhiên, tại châu Âu, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ thường phải thông qua một quy trình kéo dài, và có nguy cơ bị chặn ở bất kỳ giai đoạn nào, vì các nước EU có lợi ích kinh tế và cách tiếp cận rất khác nhau đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Liesje Schreinemacher vào tháng 11/2022 cho biết, người Hà Lan không bao giờ loại trừ hoàn toàn sự hợp tác hoặc phối hợp của EU về vấn đề này. Nhưng bà Schreinemacher cũng nói rõ rằng, kiểm soát xuất khẩu là năng lực quốc gia.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sau đó đã nhắc lại quan điểm này với các phóng viên ở Brussels khi các cuộc đàm phán sắp kết thúc vào tuần trước rằng: "Chúng tôi đang phối hợp với tất cả mọi người, nhưng cuối cùng, tất nhiên, đó là năng lực quốc gia.”
Cách tiếp cận của Hà Lan đã hứng chịu sự chỉ trích. Các chuyên gia cảnh báo, một loạt các hạn chế về chip do một quốc gia duy nhất áp đặt có thể gây rắc rối cho toàn EU.
"Sự phân nhánh của chuỗi cung ứng có thể rất lớn. Nếu sắp tới có nhiều hạn chế hơn, đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng đến thị trường đơn lẻ", Tobias Gehrke - thành viên cấp cao về địa kinh tế tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Berlin - cho biết.
Theo tờ Politico, các nhà cung cấp riêng của ASML chỉ tập trung ở một số quốc gia, đặc biệt là Đức, nơi các công ty như Zeiss (quang điện tử) và Trumpf (công nghệ laser) là đối tác chính của gã khổng lồ Hà Lan. Các bên có liên quan khác là những quốc gia có viện nghiên cứu chất bán dẫn, như Bỉ (Imec) và Pháp (CEA).
Vào giữa tháng 1 trên Dutch TV, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Schreinemacher từng cho biết, đang diễn ra các cuộc đàm phán với Đức và Pháp để đảm bảo rằng, nếu Hà Lan áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, những nước "có lợi ích lớn" khác sẽ làm theo.
Châu Âu không thể đứng yên
Theo tờ Politico, không phải các nước EU không muốn nói về vấn đề kiểm soát xuất khẩu. Họ đã có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong phần lớn thời gian của năm ngoái, khi ngừng xuất khẩu công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn sang Nga.
Nhưng ông Julian Ringhof - người chịu trách nhiệm về quyền tự chủ công nghệ tại ECFR – nhận định, một EU trong cơn khủng hoảng "rất khác khi nói về chính sách đối ngoại và an ninh" so với khi thoát khỏi khủng hoảng.
EU có một cơ chế phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có công dụng kép, những sản phẩm có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Nhưng những quy định đó đã mất nhiều năm để đàm phán, đã bị cắt giảm rất nhiều, và cho thấy những khó khăn mà các nước EU phải đối mặt khi áp dụng trong giao dịch thương mại trực tiếp với các cường quốc kinh tế.
Thành viên Nghị viện Châu Âu trung hữu Eva Maydell (Bulgaria), khi được hỏi về tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hà Lan, cho biết, rõ ràng cần phải "bảo vệ chính mình".
Bà Maydell nói: "Vấn đề chuyển giao kiến thức và công nghệ không mong muốn cần phải được chấm dứt, với sự tham gia của cả ngành công nghiệp và chính phủ. Chúng ta cần có một số khuôn khổ rõ ràng để hoạt động".
Nghị viện Châu Âu cũng đã thúc đẩy nhiều hoạt động ngoại giao về chip hơn, về các chủ đề như hạn chế xuất khẩu.
Theo tờ Politico, thỏa thuận của Hà Lan với Washington đang thúc đẩy EU bắt kịp về cách xử lý các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Và ngày càng có nhiều nước châu Âu sẵn sàng sử dụng công cụ này một cách tích cực hơn.
Tham khảo: Politico