Quản trị Gen Z: Chuyên gia chia sẻ 3 chiến thuật để "đắc nhân tâm"

Nam Trần | 14:26 21/11/2022

Mười năm trước, "Làm thế nào để lãnh đạo thế hệ Millennials?" từng là một chủ đề nóng hổi trong quản trị doanh nghiệp. Ngày nay, câu hỏi tương tự lại được đặt ra khi Gen Z ( thế hệ sinh từ 1997-2012) sắp trở thành lực lượng lao động chính tại Việt Nam.

Quản trị Gen Z: Chuyên gia chia sẻ 3 chiến thuật để "đắc nhân tâm"

Để khiến đội ngũ này “tâm phục khẩu phục”, các nhà lãnh đạo cần thấu cảm động lực của họ và tuân theo một số chiến thuật, theo Ruby Nguyễn, CEO Curieous - mạng lưới học tập và phát triển sự nghiệp, cựu lãnh đạo Vietcetera và ELSA, chia sẻ trong chương trình Tò mò Cuối tuần số 21 của Curieous.

Gốc rễ trong hành vi của Gen Y và Z mà các nhà quản trị cần hiểu là Mong muốn đi tìm sự thật, bà Ruby Nguyễn nhấn mạnh, dựa trên một kết quả nghiên cứu của McKinsey&Company.

1(1).jpg
Nhà quản trị cần hiểu một đặc trưng của Gen Z (Ảnh: kênh Youtube của Curieous)

“Điều này bắt nguồn từ việc họ không chấp nhận những lý tưởng, nhận định hay áp đặt được đưa ra, tưởng như sự thật nhưng bản chất thì chưa được kiểm chứng. Thế hệ bố mẹ chúng ta có rất nhiều niềm tin, chỉ bởi có rất nhiều người khác tin vào. Thế hệ Z hiện nay không chỉ đặt nghi vấn mà còn tìm ra được chân lý đi ngược lại niềm tin đó.”

Được sinh ra và lớn lên trong thời đại số với khả năng tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ nhờ công nghệ, GenZ có xu hướng đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh và truy tìm câu trả lời cho điều đó. Với đặc tính đó, CEO Curieous cho rằng các nhà quản trị cần quan tâm một số chiến thuật để “đắc nhân tâm” các bạn trẻ trong thế hệ này.

Thứ nhất, thường xuyên truyền cảm hứng bằng các tác động xã hội của công việc

Bà Ruby Nguyễn dẫn một nghiên cứu nói rằng 74% Gen Z đề cao “mục đích” của công việc hơn “thu nhập”. Nhiều người thuộc thế hệ này được sinh ra và lớn lên trong một xã hội đầy đủ và an toàn hơn so với các thế hệ khác. Điều này khiến việc đi làm không chỉ để phục vụ mục đích kiếm sống. 

“Việc đi làm đối với Gen Z hướng nhiều hơn đến việc đi tìm sự thật và khai sáng bản thân mình, hiểu về bản thân nhiều hơn. Đó là những nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của con người thì các bạn Gen Z đã đến mức này rồi”, Ruby Nguyễn cho biết.

doanhnghieptaotacdongxahoidoanhnhansaigon-1523953207_750x0.jpg
Gen Z quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội (Ảnh: doanhnhansaigon.vn)

Salma Shah, nhà sáng lập nền tảng huấn luyện và phát triển lãnh đạo "Làm chủ sức mạnh của bạn", cũng đã chia sẻ với Forbes rằng, động lực của Gen Z là tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong công việc, nhưng đồng thời, cách tiếp cận của họ đối với nơi làm việc cũng thực dụng, có hiểu biết và tính toán.

Do đó, theo CEO Curieous, Gen Z cần một người lãnh đạo thể hiện được tình yêu và sứ mệnh nhân văn trong công việc.

“Tình yêu là mình yêu thích những gì mình đang làm và yêu thích cái sứ mệnh mình đang làm”, bà chia sẻ. Trong khi đó, sứ mệnh nhân văn được đề cao khi giới trẻ ngày càng quan tâm và coi trọng các vấn đề đạo đức, minh bạch và tác động xã hội.

Thứ hai, hãy phản hồi 1-1 thường xuyên, góp ý đúng lúc đúng chỗ

Gen Z thuộc típ “người đối thoại”, có nghĩa họ có nhu cầu được kết nối, trò chuyện, trao đổi một cách thường xuyên với nhà lãnh đạo, nhưng lại mong muốn được góp ý đúng thời điểm. Điều này nghe có vẻ khó khăn với nhà quản trị truyền thống, nhưng theo bà Ruby Nguyễn, đây sẽ là xu hướng mà các nhà lãnh đạo mới cần làm quen.

“Gen Z sẽ muốn được phản hồi 1-1 định kỳ hoặc thường xuyên. Đây là cơ hội để người lãnh đạo lắng nghe và giúp đỡ, chứ không phải để chỉ đạo. Đây sẽ là cuộc đối thoại mà Gen Z là người nói nhiều hơn và người lãnh đạo sẽ lắng nghe và hỗ trợ”.

Cũng theo một khảo sát của Adecco Việt Nam, các kỹ năng "Quản trị con người", "Lãnh đạo" và "Trí tuệ Cảm xúc" (EQ) là những điều mà thế hệ Z tại Việt Nam mong muốn thấy nhất ở một CEO hiện đại.

boss-employee-191113.jpg
Gen Z mong muốn được trao đổi với sếp trên tinh thần tôn trọng (Ảnh: theladders.com)

Với kỳ vọng được tôn trọng cao hơn nhiều so với các thế hệ trước, Gen Z sẽ cần một nhà quản trị biết lắng nghe và đóng góp “đúng thời điểm” trên tinh thần xây dựng.

“Chỉ trích nhân viên nên chọn đúng thời điểm. Trước đây đã đúng nhưng hiện nay còn đúng hơn bởi thế hệ Y và Z kỳ vọng sự tôn trọng đối với họ cao hơn thế hệ trước rất nhiều. Đây cũng là một vấn đề nhiều lãnh đạo mắc phải và làm vấn đề trầm trọng hơn. Thế hệ tiếp theo sẽ không chấp nhận điều đó một cách dễ dàng nữa”, bà Ruby Nguyễn phân tích.

Thứ ba, tạo ra nhiều thử thách sáng tạo

Điểm mạnh mà Gen Z hơn nhiều so với các thế hệ trước là sự sáng tạo “nhanh, thú vị và đối khi hơi kỳ quái”, theo chia sẻ của vị chuyên gia. Vì vậy, một công ty có thể tạo ra cơ hội để họ thể hiện năng lực sáng tạo và có cách để vinh danh sự sáng tạo đó trên môi trường số sẽ là môi trường làm việc lý tưởng của các bạn trẻ.

“Đó là điểm mạnh của họ thì phải tạo cơ hội để họ thể hiện năng lực ấy. Đa phần các bạn thế hệ Z có ước mơ trở thành Influencer (người có ảnh hưởng) trên MXH, cũng giống như thế hệ trước hâm mộ ngôi sao điện ảnh, ca sĩ. Đối với thế hệ này, ngôi sao, thần tượng của họ chính là những người tạo ra các nội dung có nhiều người theo dõi, nhiều người thích trên MXH”.

3.jpg

CEO của mạng lưới học tập và phát triển sự nghiệp dự báo trong tương lai, mô hình "trí tuệ cộng hưởng" sẽ là phương thức lãnh đạo mới trở nên phổ biến trong tương lai. Trong đó, mọi cá nhân trong tổ chức đều có tác động qua lại lẫn nhau khi làm việc, bất kể là giám đốc hay nhân viên.

“Mặc dù vẫn có các vị trí và chức danh nhưng sẽ chỉ để phản ánh về thẩm quyền quyết định nhiều hơn. Các quyết định ấy vẫn có sự tác động ảnh hưởng từ nhiều phía trong công ty. Trong mô hình này, ai cũng sẽ có một vai trò lãnh đạo”, bà Ruby Nguyễn kết luận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Quản trị Gen Z: Chuyên gia chia sẻ 3 chiến thuật để "đắc nhân tâm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO