Vào năm 1972, Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường sắt được thành lập. Sau nửa thế kỷ, Tổ sản xuất nhỏ bé năm ấy đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Đông dược tại Việt Nam với thương hiệu quốc gia Traphaco. Trải qua nhiều sự thay đổi để đi đến vị trí này nhưng Traphaco không dừng lại mà đang tiếp tục một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ.
Nhắc đến tái cấu trúc doanh nghiệp, người ta đều biết đó là quá trình liên quan chặt chẽ đến con người. Một công ty trong quá trình phát triển phải không ngừng thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, quy mô nhân sự và định hướng phát triển mới. Năm 2021, Traphaco chính thức công bố kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh với chiến lược Giữ vững vị thế hàng đầu Đông dược – Đầu tư phát triển ngoài Đông dược.
Theo đó, về chiều ngang, công ty đã chia tách hệ thống kinh doanh thành 2 mảng Đông dược và Ngoài Đông dược. Đây là một bước chuyển biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường.
Về chiều dọc, việc tái cấu trúc các mảng chức năng được thực hiện theo chuỗi giá trị của Traphaco, quy hoạch gồm Kinh doanh và Marketing, Nghiên cứu và Phát triển (R&D), Tài chính - Kế hoạch và các bộ phận hỗ trợ. Trong kế hoạch tái cấu trúc, Traphaco đặc biệt quan tâm đến hệ thống đánh giá nhân viên, lương, thưởng và chính sách đào tạo, phát triển nhân viên.
Với cấu trúc mới, mỗi mảng Đông dược và Ngoài đông dược của Traphaco đều có những nhà máy riêng biệt, được phụ trách bởi một bộ máy đầy đủ gồm ban lãnh đạo, bộ phận R&D, kinh doanh – marketing, tài chính – kế hoạch… để quản lý, vận hành và chịu trách nhiệm kinh doanh.
Tính đến hiên tại, Traphaco có 2 nhà máy đông dược gồm Nhà máy Traphaco Sapa với nhiệm vụ chính là sơ chế dược liệu; Nhà máy Traphaco CNC với các dây chuyền sản xuất thuốc từ dược liệu (Viên nén, viên bao phim, viên bao đường, viên nang, thuốc nước…) và nguyên liệu làm thuốc (Dược liệu đã chế biến, cao lỏng, cao đặc, cao khô, cốm và bột).
Đồng thời, Traphaco có nhà máy tân dược tại Hưng Yên và nhà máy thực phẩm chức năng tại Hà Nội.
Nhà máy Hưng Yên chuyên sản xuất thuốc tân dược với 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất: Dây chuyền thuốc nhỏ mắt-mũi công nghệ BFS hiện đại nhất ngành dược; Dây chuyền thuốc viên với hệ thống thiết bị công nghệ tự động, liên hoàn được vận hành nhờ cánh tay robot đạt chuẩn châu Âu; Các dây chuyền thuốc nước, siro công suất lớn hoàn toàn đồng bộ và kết nối tự động.
Trong khi đó, nhà máy tại Hoàng Liệt, Hà Nội chuyên về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm với các sản phẩm dùng ngoài và kem bôi.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Traphaco sẽ nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công ít nhất 100 sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD. Trong đó, cổ đông lớn của Traphaco là Tập đoàn dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc) sẽ chuyển giao ít nhất 70 sản phẩm thuốc tân dược đến năm 2025.
Với trình dược viên, hoạt động chia tách giữa Đông dược và ngoài Đông dược đã được thực hiện ngay từ tháng 1/2022. Nhờ bộ máy gọn nhẹ, chuyên nghiệp, chỉ sau 2 tháng, kết quả kinh doanh của các tỉnh này đều vượt trên 20% kế hoạch.
Điều này đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của Traphaco với doanh thu thuần đạt hơn 1.800 tỷ đồng - tăng trưởng 14% và lãi ròng 230 tỷ đồng - tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Sắp tới, công ty sẽ chi trả cổ tức đợt 1 cho cổ đông với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp.
Ngày 18/11/2022, Công ty cổ phần Traphaco được tôn vinh là Doanh nghiệp xuất sắc và bền vững châu Á năm 2022 - giải thưởng dành cho các doanh nghiệp bền vững và tiên phong tại Châu Á, hạng mục Sáng kiến vì cộng đồng.
Những con số là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy mô hình tổ chức mới và phương thức quản trị được cải tiến, phù hợp hơn đã và sẽ tạo sự cộng hưởng các nguồn lực và giá trị, thúc đẩy Traphaco phát triển mạnh mẽ trong tương lai.