Theo báo cáo của PwC, Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ để trở thành nên kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, đóng góp khoảng 19,1% GDP toàn cầu.
Theo dự báo của PwC, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 42,96 nghìn tỷ USD với dân số là 1,31 tỷ người. Theo sau là Ấn Độ với GDP dự kiến đạt 38,68 nghìn tỷ USD với dân số 1,67 tỷ người.
Đứng thứ 3 là Mỹ với GDP dự kiến đạt 26,58 nghìn tỷ USD, quy mô dân số là 375,39 triệu người.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP). GDP xét theo PPP của Trung Quốc đạt 35 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023. Mỹ đứng thứ hai với 27,4 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP ở Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ giảm tốc trong những thập kỷ tới, trong khi châu Phi được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu vào năm 2030-2050.
Theo báo cáo “Thế giới năm 2020” của PwC, tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu – dự báo đạt 224,96 nghìn tỷ USD vào năm 2050, sẽ giảm xuống dưới 10%. Các nền kinh tế mới nổi E7 (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ) được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi so với các nhóm G7. Dự báo được đưa ra dựa trên dự đoán rằng mức tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động của các nước G7 sẽ đạt mức trung bình là –0,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2050.
Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh cũng được dự đoán là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, còn Ba Lan được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế EU tăng trưởng nhanh nhất.
Mặc dù các nền kinh tế tiên tiến vẫn sẽ duy trì mức thu nhập trung bình cao hơn, nhưng các thị trường mới nổi dự kiến sẽ thu hẹp khoảng cách đáng kể vào năm 2050. Sự thay đổi này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dài hạn vào các khu vực này, bất chấp những thách thức kinh tế gần đây ở các quốc gia như Brazil, Nigeria, và Thổ Nhĩ Kỳ, PwC nhận định.
Theo Yahoo Finance