Theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán kết thúc năm 2022, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), có số lỗ lũy kế hợp nhất là 185,5 tỷ đồng, tức giảm khoảng 250 tỷ đồng trước soát xét, và giảm 1.491 tỷ đồng so với 31/12/2017 - thời điểm cổ phần hoá.
Về tổng tài sản PVOIL đạt 28.810,2 tỷ đồng, tăng gần 6% so với số hồi đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu 11.327 tỷ đồng, chiếm 39,32% nguồn vốn; Nợ phải trả của PVOIL là 17.483 tỷ đồng, tăng 1.470,6 tỷ đồng so với con số hồi đầu năm là 16.012,4 tỷ đồng.
Như vậy, nợ phải trả chiếm hơn 60% trong cơ cấu nguồn vốn của tổng công ty.
Đáng chú ý, PVOIL có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 4.575,9 tỷ đồng; Phải thu dài hạn của khách hàng là 19,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp xăng dầu hiện đang có khoản nợ xấu lên tới 875 tỷ đồng, con số này hồi đầu năm là 847,5 tỷ đồng. PVOIL cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp chỉ thu hồi chỉ được 32,7 tỷ đồng, chiếm 3,7% nợ xấu.
Cụ thể, nợ xấu của PVOIL tập trung tại các doanh nghiệp xăng dầu và vận tải như: Công ty CP Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc hơn 124,2 tỷ đồng; Công ty CP ĐT và PT Xăng dầu Tiên Phong 118,5 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và Vận tải Quảng Đông gần 88 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phú Lâm 77,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xăng dầu Quốc tế Việt Nam 69,4 tỷ đồng,…
Ngoài các Công ty Cổ phần có số nợ xấu lên tới hàng trăm tỷ đồng, PVOIL cũng có nợ xấu đối với một số cá nhân như ông Đỗ Văn Trực hơn 2 tỷ đồng, ông Võ Hữu Thuyên 1,1 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, PVOIL ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục khi đạt gần 104.214 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021.
Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh và các chi phí gia tăng khiến hiệu quả kinh doanh của PVOIL không mấy khả quan khi báo lãi sau thuế hơn 723,2 tỷ đồng, giảm 6,8% so với năm 2021. Con số này bao gồm lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 651,2 tỷ đồng và cổ đông không kiểm soát hơn 72 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2022, PVOIL đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và đã giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021.
Cũng theo Báo cáo tài chính, PVOIL đang sở hữu khoản đầu tư tại tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB, công ty liên kết của PVOIL) với hơn 272,7 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện PVB đã làm thủ tục phá sản. Giải trình với Ủy ban Chứng khoán, đại diện PVOIL cho biết đây là khoản đầu tư vào dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, phát sinh trước khi cổ phần hóa năm 2018.
Do đó, PVOIL đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho phép được xác định lại khoản đầu tư này về 0 đồng khi quyết toán cổ phần hóa. Tức khoản đầu tư này sẽ được loại ra khỏi công ty cổ phần. Tuy nhiên, hiện không thể thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp PVB nên việc thoái vốn chưa thực hiện. PVOIL đang làm việc với các cổ đông của PVB, ngân hàng tài trợ vốn, tòa án để quyết định phương án xử lý.
Quá trình thực hiện thủ tục phá sản dự án, nếu phát sinh thu hồi từ thanh lý tài sản tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
PVOIL là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm Dầu (PDC). Ngày 7/3/2018, PVOIL đã chính thức niêm yết trên sàn UpCom với mức giá 20.200 đồng/CP.
PVOIL hiện có số vốn điều lệ 10.342 tỷ đồng, với 80,52% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), số còn lại thuộc về các cổ đông khác. Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVOIL là ông Cao Hoài Dương (SN 1972), Tổng giám đốc là ông Đoàn Văn Nhuộm (SN 1963).