Một loạt diễn biến nóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã công bố thông tin gia hạn thành công các lô trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Ngày 23/3, Tập đoàn Tiến Phước thành công gia hạn thêm 2 năm đối với 2 mã trái phiếu đáo hạn vào tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Đến ngày 24/3, liên tiếp 2 doanh nghiệp bất động sản lớn là Novaland và Hưng Thịnh Land cũng công bố thông tin điều chỉnh kỳ hạn, lãi suất, kế hoạch thanh toán gốc, lãi và bổ sung tài sản đảm bảo đối với các lô trái phiếu đã phát hành.
Trong một diễn biến khác, các doanh nghiệp cũng đã phát hành thành công gần 23.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp - tức trên 1 tỷ USD chỉ trong nửa tháng gần đây.
Kết quả phát hành này khác biệt với không khí ảm đạm trong hai tháng đầu năm 2023 với tổng giá trị phát hành chưa đến 1.700 tỷ đồng (không tính trái phiếu do ngân hàng phát hành).
Tuy nhiên, tình hình sôi động này phản ánh áp lực tái cấu trúc nguồn vốn của doanh nghiệp, chưa phải là kết quả của Nghị định 08 vừa ban hành đầu tháng 3.
Tuần qua, Novaland vừa công bố hoãn trả gốc và lãi đối với lô trái phiếu đến hạn với lý do chưa thu xếp được đủ nguồn thanh toán. Số tiền gốc và lãi phải trả của lô trái phiếu này vào khoảng 900 tỷ đồng, trong đó hơn 864 tỷ đồng tiền gốc và gần 36 tỷ đồng tiền lãi. Thông báo của Novaland không đưa lộ trình thanh toán cụ thể trong thời gian tới cho lô trái phiếu này.
Song song với việc gia hạn và hoãn trả gốc, lãi trái phiếu, Novaland cũng công bố thông tin mua lại trước hạn tối đa 25 tỷ đồng trái phiếu và gia hạn cho hai lô trái phiếu có tổng trị giá 1.750 tỷ đồng.
3 doanh nghiệp khác có trụ sở tại quận Long Biên - Hà Nội là Ataka Việt Nam, Hakuba, Aruza đồng loạt thông báo về việc mua lại trước hạn tổng cộng 6.146 tỷ đồng trái phiếu trong ngày 17/3.
Công ty Yamagata cũng vừa công bố thông tin hoàn tất mua lại 3 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 1.650 tỷ đồng. Cả 3 lô đều được phát hành vào năm 2019, kỳ hạn 10 năm và có tổng giá trị ở thời điểm phát hành là 8.000 tỷ đồng. Sau khi được mua lại, giá trị còn lại của 3 lô trái phiếu này là hơn 1.800 tỷ đồng.
UBS thâu tóm Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD
Credit Suisse và UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đã đạt được thỏa thuận vào ngày 19/3/2022 dưới sự giám sát của Chính phủ Thụy Sĩ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Cơ quan giám sát thị trường nước này.
UBS không trực tiếp bỏ tiền vào thương vụ này mà chỉ phát hành cổ phiếu để hoán đổi. Mỗi cổ đông sở hữu 22,48 cổ phiếu Credit Suisse sẽ nhận về 1 cổ phiếu của UBS. Ước tính thương vụ này có giá trị khoảng 3,2 tỷ USD và UBS sẽ phải gánh khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD khi nhận sáp nhập Credit Suisse.
“Không còn lựa chọn nào khác. Đây là vấn đề sống còn đối với cấu trúc tài chính của Thụy Sĩ và đối với nền tài chính toàn cầu” - Chủ tịch UBS Colm Kelleher phát biểu tại một cuộc họp báo.
Ngay sau thương vụ Credit Suisse sáp nhập với UBS, SNB phát đi thông báo về một hành động phối hợp nhằm tăng cường cung cấp thanh khoản thông qua các thỏa thuận hoán đổi (liquidity swap) thanh khoản bằng USD.
Theo đó, Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cùng hỗ trợ dòng tiền USD cho SNB mỗi ngày thay vì 7 ngày/lần như trước đây.
Fed vẫn tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %
Sau cuộc họp chính sách được coi là "khó khăn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nhiều năm", cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ nhất trí tăng thêm 25 điểm %, nâng lãi suất lên mức 4,75 - 5%, cao nhất kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, thông điệp từ Chủ tịch Fed Jerome Powell cho thấy chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
VN-Index liên tục tăng, thanh khoản vẫn thấp
Chỉ số VN-Index có xu hướng tương liên tục trong các phiên giao dịch tuần này nhưng dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu chững lại. Giá trị giao dịch trên HoSE tuần qua đạt gần 7.300 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 17,4% so với tuần trước.
Đóng cửa phiên giao dịch tuần này, VN-Index đạt gần 1.047 điểm, tăng nhẹ so với đầu tuần.
Đáng chú ý, cổ phiếu của Novaland giảm nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần nhưng dần hưng phấn về cuối phiên và đóng cửa tại giá trần, kéo dài mạch tăng điểm 3 phiên liên tiếp.
Khối lượng khớp lệnh Novaland cũng đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây. Nhờ đó, cổ phiếu này nằm trong danh sách 5 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Một trong những yếu tố giúp giá tăng vọt là thông tin toàn bộ 7 tờ trình cổ đông đều được thông qua, trong đó có nội dung phát hành 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và chào bán 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, được phát ra sáng 24/3.
Tuần qua, Novaland đồng thời công bố nhiều thông tin liên quan đến các lô trái phiếu đã phát hành của công ty.
Giá xăng giảm về 22.000 đồng/lít
Chiều 21/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm 780 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.020 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.030 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm, mức giảm lên tới 1.200 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel giảm còn 19.300 đồng/lít, dầu hỏa xuống còn 19.460 đồng/lít.
Mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng xem xét đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Giá xăng dầu giảm giúp các chính sách kiểm soát lạm phát được vận hành dễ dàng hơn.
Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp
Licogi 166 tạm ngừng kinh doanh vì quá khó khăn
Hội đồng quản trị Công ty Licogi 166 vừa công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm (từ 15/3/2023 đến ngày 14/3/2024) để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức.
Công ty sẽ thanh lý tài sản, thu hồi công nợ để trả lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp… Đại hội đồng cổ đông Licogi 166 đã thông qua kế hoạch tạm ngừng này.
Masan Group chào bán thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngày 17/3/2023, Tập đoàn Masan đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng với kỳ hạn 5 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Lô trái phiếu này áp dụng lãi suất thả nổi bằng trung bình cộng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của BIDV, Vietcombank, Vietinbank và MB cộng thêm 4,1%/năm.
Mục đích chào bán nhằm tăng tiềm lực tài chính cho Công ty và huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường hiện nay, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Masan cũng vừa công bố báo cáo thường niên 2022 và định hướng kinh doanh cho năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông (không bao gồm chi phí một lần) khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 4% đến 30% so với năm 2022.
Moody's điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm Techcombank thành Ba3
Ngày 22/3, Moody’s - một trong các tổ chức xếp hạng uy tín nhất thế giới đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Techcombank từ mức Ba2 thành mức Ba3 do những biến động của thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh việc này không liên quan đến cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng Mỹ, hay Credit Suisse gần đây.
Moody’s cho biết triển vọng của Techcombank có thể chuyển sang ổn định nếu ngân hàng này giảm tỷ trọng cho vay bất động sản, tăng tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao…
Trước đó, trong đánh giá hồi tháng 9/2022, Techcombank có cùng mức xếp hạng quốc gia và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mức đánh giá tín dụng cơ sở ở mức Ba2.