[Podcast] Tài chính tuần qua: làn sóng giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục lan rộng

Quỳnh Anh | 08:16 04/03/2023

Thanh long Việt Nam chịu sức ép tại thị trường Trung Quốc, CPI tháng 2 hạ nhiệt, ngành sản xuất trong nước phục hồi và nhiều tin tức nổi bật khác sẽ có trong bản tin tuần này.

[Podcast] Tài chính tuần qua: làn sóng giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục lan rộng
Thanh long là một trong những cây trồng thế mạnh của Việt Nam. (Ảnh: An Bình)

Lãi suất cho vay và huy động cùng giảm mạnh 

Mới đây, các ngân hàng tiếp tục đạt được đồng thuận giảm lãi suất huy động thêm 0,5 điểm % trước ngày 6/3 sau khi thống nhất áp dụng mức lãi suất trần 9,5% hồi giữa tháng 12/2022. 

Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2 điểm %/năm so với hiện hành. 

Trong 35 ngân hàng được khảo sát vào ngày 3/3, mức lãi suất huy động cao nhất mà các nhà băng đang niêm yết là 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Nhiều ngân hàng như MSB, PG Bank, PVcomBank, OCB, Saigonbank,... đã điều chỉnh lãi suất huy động giảm từ 0,3 đến 0,8 điểm % ngay từ đầu tháng 3. 

Cùng với sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm. 

Không chỉ nhóm Big 4 ngân hàng, xu hướng giảm lãi suất cho vay đã lan sang một số ngân hàng thương mại cổ phần. Đơn cử như MBBank điều chỉnh lãi suất cho vay chỉ từ 8,5%/năm. 

Các ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt,… cũng tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1-2 điểm % so với mức lãi suất thông thường.

Đặc biệt, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố 4 ngân hàng quốc doanh sẽ dành một gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, lãi suất cho vay mua nhà ở một số ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,5 đến 3 điểm % so với cuối năm 2022.

Hiện lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất là 4,99%/năm thuộc về Ngân hàng MSB. Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 trở đi, nhà băng này sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.

Ngày 3/3, Thống đốc NHNN cho biết 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân và lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022 - theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thanh long Việt Nam chịu sức ép tại thị trường Trung Quốc 

Thanh long là một trong những cây trồng thế mạnh của Việt Nam với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 80 - 90% tổng giá trị xuất khẩu thanh long. 

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, thậm chí sản lượng thanh long Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với thanh long Việt Nam về lâu dài khi thị trường xuất khẩu chủ lực dần “tự cung tự cấp”. 

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: "Hiện, chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con trồng thanh long hướng đến trồng theo công nghệ cao, trồng sạch để hướng xuất khẩu đến các thị trường khó tính, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc"

Ngoài ra, để giảm thiểu mức độ cạnh tranh với thanh long nội địa Trung Quốc, ông Trịnh khuyến nghị: "Các nhà vườn tại Việt Nam nên hạn chế cho ra trái vào mùa thuận (từ tháng 5 đến tháng 12) để nuôi cây, tăng trái vào mùa nghịch, thời điểm này, Trung Quốc không có thanh long. Khi đó, đầu ra và giá bán của bà con sẽ thuận lợi".

CPI hạ nhiệt, ngành bán lẻ phục hồi chậm lại

Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2022. CPI đã hạ nhiệt so với mức tăng 4,89% ghi nhận vào tháng 1 trước đó.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại. So với kịch bản không có dịch bệnh, mức bán lẻ tháng 1/2023 đạt 88%. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, tỷ lệ này chỉ còn 77,7% - Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 28/2, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, S&P Global Market đánh giá sức khỏe ngành sản xuất tại Việt Nam bắt đầu cải thiện dần sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng. Kết luận này được đưa ra căn cứ vào chỉ số chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2 đạt 51,2 điểm, tăng 3,8 điểm so với tháng trước. 3 tháng trước đó, chỉ số này liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm.

Ông Andrew Harker - Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng: "Nhu cầu cải thiện ở cả trong nước và nước ngoài đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm nhẹ kéo dài 3 tháng trong giai đoạn chuyển giao giữa hai năm"

Thanh khoản chứng khoán thấp nhất 2 năm 

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, VN-Index tăng nhẹ lên gần 1.025 điểm sau 5 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chỉ đạt hơn 6.480 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng sau nhịp giảm điểm mạnh.

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần này ở mức 1.024,8 điểm, giảm gần 15 điểm so với đầu tuần.

Chứng khoán Vietcombank dự báo với diễn biến hiện tại, VN-Index trong ngắn hạn có thể bật lên quanh vùng điểm 1.030 - 1.040. Tuy nhiên, rủi ro áp lực bán vẫn tiềm ẩn rất lớn và có thể bất ngờ xuất hiện trở lại.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Sơn Kim Land phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu 

Tuần qua, Công ty Đầu tư Bất động sản Sơn Kim đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 13,5%/năm. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 10/8/2025. Mục đích phát hành trái phiếu không được Công ty Sơn Kim đề cập. 

Trước đó, Đầu tư Bất động sản Sơn Kim đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 500 tỷ đồng phát hành cuối tháng 9/2022 với lãi suất 11,5%/năm. Số tiền huy động khi đó được công ty dùng để mua dự án tòa nhà văn phòng The METT, thuộc dự án Khu phức hợp Sóng Việt nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Trong tháng 1/2023, Đầu tư Phan Vũ là doanh nghiệp duy nhất phát hành thành công 110 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với mức lãi suất 10,5%/năm, kỳ hạn 5 năm. 

Trung Nam Land bị cưỡng chế hơn 445 tỷ đồng vì nợ thuế

Cục Thuế TP.Đà Nẵng vừa ra quyết định về việc cưỡng chế thu nợ thuế hơn 445 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Trung Nam (Trungnam Land). Một ngân hàng thương mại chi nhánh Đà Nẵng - nơi công ty này mở tài khoản - được yêu cầu trích tiền từ tài khoản hoặc phong tỏa tài khoản để nộp số tiền cưỡng chế trên. 

Trungnam Land cho biết đến giữa tháng 2, công ty đã nộp hơn 199 tỷ đồng trên tổng số 445,5 tỷ tiền nợ thuế sử dụng đất của dự án khu đô thị Golden Hills. Tuy nhiên, số tiền nộp trên chưa được ghi nhận trên hệ thống. Phần thuế còn lại sẽ được nộp vào tháng 3 này.

VinFast bàn giao 45 chiếc xe đầu tiên cho khách hàng Mỹ

Ngày 1/3, VinFast tiến hành bàn giao 45 chiếc VF8 City Edition đầu tiên cho khách hàng tại 9 cửa hàng ở bang California (Hoa Kỳ). Những chiếc xe tiếp theo trong lô xe City Edition sẽ được giao tại chuỗi cửa hàng VinFast hoặc chuyển đến nhà khách hàng trong các ngày tới. 

VinFast cũng đã nhận đặt trước mẫu xe điện VF9 cao cấp hơn, đồng thời giới thiệu đến người tiêu dùng Hoa Kỳ 2 mẫu VF6 và VF7. 

VinFast cho biết đã nhận tổng cộng 64.000 đơn đặt hàng xe điện trên toàn cầu.

3 lãnh đạo của FLC xin từ nhiệm, FLC có Tổng giám đốc mới

Đầu tuần qua, bà Bùi Hải Huyền đã xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Bà Huyền chia sẻ: “Việc tôi rời cương vị CEO ở thời điểm này là điều cần thiết để quá trình tái cấu trúc mà FLC đang hướng tới có thể thành công tốt đẹp”. Bà Huyền là một trong số những lãnh đạo kỳ cựu với hơn 12 năm gắn bó với FLC.

Cùng ngày, hai phó tổng giám đốc của FLC là Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh cũng xin từ nhiệm. Như vậy, từ năm ngoái đến nay, ban điều hành cũ của FLC đã có 6 lãnh đạo từ nhiệm.

Sau đó, Tập đoàn FLC đã quyết định bổ nhiệm ông Lê Tiến Dũng giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn và bà Trần Thị Hương giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực từ ngày 2/3.

Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: làn sóng giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO