[Podcast] Tài chính tuần qua: Đồng USD lao dốc, vàng đạt đỉnh 9 tháng sau quyết định của Fed

Quỳnh Anh SM | 08:30 04/02/2023

Tuần qua, từ ngày 30/1 đến ngày 5/2, Fed nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp, kinh tế châu Âu tăng trưởng vượt Mỹ. Trong nước, CPI tháng 1 tăng mạnh, đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại sau 3 tháng.

[Podcast] Tài chính tuần qua: Đồng USD lao dốc, vàng đạt đỉnh 9 tháng sau quyết định của Fed
Ảnh minh họa: Swarajya

Fed tiếp tục nâng lãi suất lần thứ 8 

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm % lần thứ 8 liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng.

Ngay sau thông báo của Fed, giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất 9 tháng qua nhưng đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần do áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Đồng USD đang có xu hướng đi xuống, dao động quanh mức thấp nhất 8 tháng. 

Thị trường chứng khoán Mỹ có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục trong phiên giao dịch cùng ngày, đảo chiều từ giảm thành tăng để chốt phiên trong sắc xanh sau khi Fed có động thái tăng lãi suất đúng như dự kiến và Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đang giảm. 

Kinh tế châu Âu tăng nhanh hơn Mỹ

Cơ quan thống kê Liên minh Châu Âu công bố GDP của châu Âu năm 2022 tăng trưởng 3,5% - cao hơn Mỹ và Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, việc GDP khu vực này cao hơn Mỹ và Trung Quốc là điều bất thường đã không diễn ra từ năm 1974

Trong nhiều thập kỷ, ba động lực chính của kinh tế toàn cầu có thứ hạng khá ổn định. Cụ thể, Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất, tiếp theo là Mỹ và sau đó là châu Âu. Trật tự này đã thay đổi vào năm ngoái do cách thức mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn sau đại dịch có phần khác nhau.

Năm 2022, GDP Mỹ tăng trưởng 2,1%, giảm mạnh so với tốc độ 5,9% được ghi nhận vào năm 2021. Cơ quan thống kê của Trung Quốc cũng đã công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm qua tăng trưởng 3%, giảm đáng kể so với mức 8,1% của năm 2021.

CPI tháng 1 tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tháng này cũng tăng 5,21% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân CPI tăng là do tháng 1 năm nay rơi vào dịp Tết nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ đầu 2023 cũng làm cho CPI tháng 1 tăng so với tháng trước.

Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại sau 3 tháng

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2023 cho thấy chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm, tăng 1 điểm so với tháng trước nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh.

Báo cáo nêu rõ ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu của năm 2023. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm hơn và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại. 

Trước đó, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 giảm 14,6% so với tháng trước và 8% so với cùng kỳ năm trước vì trùng Tết Nguyên đán và số lượng, quy mô đơn hàng giảm.

Giá xăng vượt 23.000 đồng/lít 

Đầu tuần qua, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 970 đồng/lít, xăng RON 95 cũng tăng 990 đồng/lít. Hiện giá mặt hàng này dao động ở mức 22.300-23.200 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này cũng được điều chỉnh tăng. Dầu diesel tăng 890 đồng đồng/lít lên 22.520 đồng/lít. Hiện, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá xăng RON 95 trong nước.

Một số tin tức nổi bật của các doanh nghiệp

Doanh thu của 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thấp hơn kỳ vọng

Alphabet - công ty mẹ của Google cũng ghi nhận doanh thu quý IV/2022 đạt 76,05 tỷ USD, thấp hơn mức 76,53 tỷ USD được ước tính bởi Refinitiv.

Doanh thu quý IV/2022 của Meta - công ty mẹ của Facebook đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý giảm thứ 3 liên tiếp. Các khoản chi tiêu của công ty tăng vọt 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 25,8 tỷ USD. Trong đó, Meta đã chi 975 triệu USD cho “Chi phí nghỉ việc và chi phí nhân sự khác” sau khi sa thải 11.000 nhân sự hồi tháng 11. 

Tương tự, tổng doanh thu của Apple đạt 117,5 tỷ USD trong quý IV/2022, giảm 5,49% so với cùng kỳ và thấp hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư Phố Wall. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2017, nhà táo khuyết có doanh thu thấp hơn so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, Apple lại trở thành điểm sáng khi doanh số suy giảm nhưng vẫn chưa sa thải nhân viên nào. Trong khi cả Meta và Alphabet đều đã sa thải lượng lớn nhân sự khi kết quả kinh doanh không thuận lợi. 

Tập đoàn Dệt may lần đầu thua lỗ 

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm mạnh so với mức lãi hơn 234 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Đây là quý thua lỗ đầu tiên của tập đoàn dệt may này kể từ khi cổ phần hóa năm 2014.

Lãnh đạo Vinatex lý giải kết quả thua lỗ kể trên là do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.

Tính chung cả năm, Vinatex vẫn ghi nhận doanh thu thuần 18.364 tỷ đồng, tăng 15%. Do ảnh hưởng từ khoản lỗ quý cuối năm, lợi nhuận sau thuế cả năm của tập đoàn này đã giảm gần 20%, đạt 1.070 tỷ đồng.

Bảo hiểm Bưu điện báo lỗ kỷ lục trong năm 2022

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, doanh thu thuần của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đạt gần 1.322 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Nhưng chi phí bồi thường bảo hiểm tăng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm tới 65% xuống còn 49 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính và kinh doanh bất động sản đầu tư cũng kém khả quan, do đó PTI báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp với khoản lỗ sau thuế quý IV hơn 4,4 tỷ đồng.

Cả năm 2022, PTI lỗ sau thuế 352 tỷ đồng, trong khi năm 2021 vẫn lãi 257 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm của ngành ngân hàng

Năm 2022, Vietcombank mang về hơn 37.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vượt kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Vietcombank chính thức giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trên toàn hệ thống ngân hàng trong 5 năm liền.

Vị trí á quân thuộc về Techcombank với khoản lãi ròng hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021, trở thành năm thứ 9 liên tiếp ngân hàng này có lợi nhuận đi lên. 

Năm 2022, BIDV thu được xấp xỉ 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 70% so với năm trước. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng là MB và VPBank với khoản lãi trước thuế hơn 22.700 tỷ đồng và 21.200 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng mang về lợi nhuận trước thuế hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như VietinBank, ACB, VIB, TPBank, Sacombank, MSB, LietVietPostBank, OCB,...

Nhiều doanh nghiệp địa ốc giảm hơn một nửa lợi nhuận trong năm 2022 

Khảo sát báo cáo tài chính quý IV/2022 của 82 công ty bất động sản niêm yết cho thấy kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp có xu hướng đi xuống. 55 trên tổng số 82 công ty sụt giảm lợi nhuận, không ít doanh nghiệp giảm trên 95% như Đầu tư LDG, Tập đoàn Danh Khôi…

Năm 2022, có 7 doanh nghiệp bất động sản báo lỗ, trong đó doanh nghiệp lỗ nặng nhất là FIDECO - gần 200 tỷ đồng. Kết quả giảm sút lợi nhuận năm 2022 chủ yếu do sự lao dốc trong quý IV - trong đó một số doanh nghiệp thậm chí báo lỗ trong quý cuối cùng của năm 2022. 

Kể cả những doanh nghiệp báo lãi hàng nghìn tỷ đồng như Vinhomes, Novaland, Phát Đạt, Nhà Khang Điền, đều ghi nhận lợi nhuận đi xuống. 

Theo dữ liệu của FiinPro, chỉ 27 trong số 82 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Một số doanh nghiệp có mức tăng mạnh như Sonadezi Giang Điền, Vincom Retail, Địa ốc Hoàng Quân, IDECO, Thế kỷ 21, Thủ Đức House, Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam…

Vinhomes tiếp tục giữ vị trí về lợi nhuận trong năm qua với lãi sau thuế 29.000 tỷ đồng, giảm gần 26% so với năm 2021. Riêng lợi nhuận của Vinhomes trong năm qua đã cao hơn tổng lợi nhuận của 81 doanh nghiệp còn lại.

Doanh nghiệp dược phẩm lãi kỷ lục năm qua 

Dược Hậu Giang vừa báo lãi khoảng 988 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021 và vượt 29% kế hoạch đề ra. Đây cũng là mốc lợi nhuận cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005.

Tương tự, Dược phẩm OPC và Dược phẩm Imexpharm cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong 2022, lần lượt đạt hơn 140 tỷ đồng và 230 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp khác cùng ngành cũng có năm kinh doanh thuận lợi. Domesco lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lấy lại mặt bằng lợi nhuận trước dịch. SPM ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ năm 2015 tới nay.


(0) Bình luận
[Podcast] Tài chính tuần qua: Đồng USD lao dốc, vàng đạt đỉnh 9 tháng sau quyết định của Fed
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO