[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Tồn kho BĐS tăng, xuất hiện làn sóng giải cứu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc

Thùy Trang - Lâm Tùng | 11:56 12/11/2022

Tổng giá trị hàng tồn kho của 15 công ty BĐS lớn trong nước tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp địa ốc liên tiếp tung chính sách bán hàng ưu đãi dịp cuối năm, xuất hiện làn sóng giải cứu doanh nghiệp BĐS Trung Quốc… là các tiêu điểm của địa ốc tuần qua.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Tồn kho BĐS tăng, xuất hiện làn sóng giải cứu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc
Tổng giá trị hàng tồn kho của 15 công ty BĐS lớn trong nước tiếp tục tăng. Ảnh: Lâm Tùng
Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng

Số liệu thống kê đến hết quý III cho thấy, tổng lượng hàng tồn kho của 15 doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn trên thị trường đạt gần 261.000 tỷ đồng, tăng gần 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2021.

Dẫn đầu danh sách là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Tính đến ngày 30/9, tồn kho của Novaland là 129.648 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm trước và bằng 50% tổng tài sản.

Xếp sau Novaland là Vinhomes với giá trị hàng tồn kho khoảng 55.668 tỷ đồng, 90% trong số đó nằm ở các đại dự án của công ty tại TP.HCM, Hà Nội và Hưng Yên. 

Tập đoàn Nam Long (NLG) ghi nhận giá trị hàng tồn kho 16.104 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý trước. Chủ yếu, tồn kho đến từ các bất động sản dang dở như Dự án Izumi, dự án Southgate, dự án Paragon Đại Phước, dự án Vàm Cỏ Đông (Waterpoint), dự án Hoàng Nam, dự án Cần Thơ, dự án Phú hữu... và một số dự án khác.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh và Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng, lần lượt khoảng 2,8% và 141% so với cùng kỳ.  

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết thời gian vòng quay hàng tồn kho tăng ở mức rất cao, lên mức trên 1.497 ngày ngày (tức hơn 4 năm). Đây là mức cao đáng báo động cho các doanh nghiệp bất động sản. "Con số này tương đương với thị trường Trung Quốc, cho thấy rủi ro đáng lo ngại”, ông Thuân nói.

Một số chuyên gia cho rằng, lượng hàng tồn kho từ các doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây tăng lên cũng một phần do còn vướng mắc các thủ tục pháp lý khiến một số dự án chưa thể triển khai để bán. Bên cạnh đó, hiện nay thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm tốc do thiếu nguồn tiền dẫn tới thanh khoản cũng sụt giảm nhanh chóng.

Doanh nghiệp địa ốc tung hàng loạt chính sách kích cầu

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, giao dịch bất động sản trên thị trường có dấu hiệu giảm sút, các chủ đầu tư dự án đang đưa ra nhiều chính sách bán hàng nhằm kích cầu. Đáng chú ý, ngoài các chính sách như giãn tiến độ thanh toán, ân hạn nợ gốc kéo dài… một số chủ đầu tư đang “mạnh tay” hỗ trợ khách hàng với lãi suất thấp hẳn so với mặt bằng chung. 

Tập đoàn An Gia công bố hỗ trợ khách mua nhà tại dự án The Standard với mức lãi suất vay cố định 5%, người mua thanh toán trước 30% là có thể nhận nhà ở ngay hoặc khai thác cho thuê, đầu tư kinh doanh.

Phú Đông Group đưa ra chính sách thanh toán 0,5%/tháng với dự án Phú Đông SkyOne, cam kết thuê lại cố định 12 triệu/tháng. Người mua thanh toán 20% khi mua nhà, 50% còn lại khách mua sẽ được ngân hàng hỗ trợ với lãi suất 0%, kèm ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà.

VMI JSC, công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập. cũng vừa thay đổi chính sách bán hàng. Theo đó VMI JSC chia mỗi bất động sản thành 200 suất đầu tư thay vì 50 suất như trước đây, mỗi suất có giá tối thiểu 38 triệu đồng, đồng thời tăng lợi nhuận cam kết lên mức 8,5-9,5% cho các nhà đầu tư đầu tư 3 hoặc 5 năm.

Ông David Jackson Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng những chương trình ưu đãi được nhiều chủ đầu tư áp dụng trong giai đoạn này thể hiện rằng họ sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, chấp nhận mức lãi ít.  

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, dù các chủ đầu tư tung nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn nhưng sau các diễn biến như tăng lãi suất, tín dụng hẹp cửa và tâm lý tiêu dùng yếu, thanh khoản của thị trường vẫn là điều khó đoán.

Làn sóng 'giải cứu' doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc

Theo hãng tin Bloomberg, các thành phố và chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đua nhau vào vai “hiệp sĩ” giải cứu các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

china2.png
Việc các LGFV mua dự án đang dang dở của các công ty địa ốc gặp khó khăn diễn ra phổ biến tại tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Bloomberg

Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) hiện là bên mua lớn nhất của những dự án dở dang từ các công ty bất động sản vỡ nợ, bao gồm cả Evergrande. Sự tham gia ngày càng lớn của các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong lĩnh vực bất động sản làm dấy lên quan ngại về áp lực nợ của các chính quyền địa phương.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, sự hiện diện ngày càng lớn của các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của các cơ quan cấp vốn nhà nước. Bên cạnh đó, nỗ lực trực tiếp giải cứu các công ty bất động sản vỡ nợ của các LGFV, cùng với mối liên hệ ngày càng chặt hơn với lĩnh vực bất động sản, đang làm dấy lên mối lo ngại mới về sức khỏe tài chính của các chính quyền địa phương, là mắt xích yếu nhất trong khu vực công ở Trung Quốc.

Ở khía cạnh tích cực, việc các LGFV đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng các dự án khu dân cư dang dở đang khiến giới đầu tư tin rằng các LGFV có sự đảm bảo ngầm từ chính quyền địa phương và điều này giúp các đơn vị đó tránh bị vỡ nợ trái phiếu - theo nhận định của các nhà phân tích tại Tianfeng Securities.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ivan Chung tại Moody’s, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa ốc dài chưa từng thấy ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày càng nhiều công ty bất động sản sẽ lâm vào tình cảnh nguy cấp. Khi đó, áp lực giải cứu của các LGFV sẽ tăng lên gấp bội. Do đó, những chính quyền địa phương đang gặp khó khăn về tài chính sẽ càng thêm áp lực.

Một số thông tin đáng chú ý

Thêm 3 khu công nghiệp được thành lập

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hải Long, tỉnh Thái Bình.

Dự án được triển khai tại các xã Đông Trà, Đông Long và Đông Xuyên, huyện Tiền Hải với quy mô sử dụng đất gần 297 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.214 tỷ đồng. Nhà đầu tư là CTCP Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh.

UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập 2  cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành.

Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 69 ha. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 490 tỷ đồng, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH FDI Thạch Bình. Ngành nghề hoạt động chính trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản…

Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà được đầu tư tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa với tổng diện tích khoảng 23 ha và tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng. Cụm công nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí… Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành nghiệm thu và đi vào sử dụng từ tháng 1/2025 đến tháng 3/2025.

Bình Định sắp có khu đô thị và du lịch hơn 5.228 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát. Dự án có diện tích 89 ha được chia thành 2 tiểu khu, trong đó khu đô thị 48,5 ha và khu dịch vụ du lịch 40,69 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 5.228 tỷ đồng. Dự án được xây dựng nhằm hình thành các công trình thương mại dịch vụ, du lịch, khách sạn nhà hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí của người dân.

Tập đoàn Ecopark muốn làm dự án gần 12.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim do CTCP Tập đoàn Ecopark đề xuất. Dự án có diện tích 154 ha, nằm tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Trước đó, cuối tháng 6, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản không chấp thuận hồ sơ chủ trương dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim do Tập đoàn FLC đề xuất với lý do hồ sơ này không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan.







(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Tồn kho BĐS tăng, xuất hiện làn sóng giải cứu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO