[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn BĐS "cả phía người bán và người mua"

Thu Trang - Lâm Tùng | 10:53 28/01/2023

Thủ tướng nhấn mạnh khó khăn của ngành bất động sản ngay trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; thị trường bất động sản toàn cầu đứng trước nguy cơ khủng hoảng với khoản nợ xấu 175 tỷ USD… là các tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn BĐS "cả phía người bán và người mua"
Nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Lâm Tùng
Nghe: Bản tin 7 ngày địa ốc

Tháo gỡ được khó khăn của thị trường bất động sản sẽ xử lý được nhiều vấn đề khác

Tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo…

Thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi tín dụng chưa được khơi thông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rơi vào khủng hoảng. Khó khăn của thị trường đến từ cả hai phía người bán và người mua. 

Với người bán - là chủ đầu tư, nguồn vốn khó khăn khiến việc triển khai dự án bị ách tắc, chậm tiến độ. Với người mua, việc giải ngân chậm trễ, thậm chí đột ngột dừng giải ngân, hoặc tăng lãi suất… khiến nguồn tiền của người mua bị cạn kiệt, không thể tiếp tục trả góp mua bất động sản. Trong một số trường hợp, gánh nặng lãi suất tăng cao trong thời gian vừa qua khiến người mua buộc phải thanh lý hợp đồng, hoặc tiếp tục đóng tiền lãi suất trong khi tính thanh khoản của các dự án nhìn chung chưa được cải thiện. 

Văn phòng môi giới bất động sản đìu hiu ngày khai xuân

Năm 2022, môi giới bất động sản đã tất bật đưa đón, tư vấn khách hàng ngay từ những ngày khai xuân. Tuy nhiên, đầu năm 2023, khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Một số văn phòng môi giới bất động sản mở cửa từ mùng 4 Tết Nguyên đán nhưng cả ngày không có khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc văn phòng môi giới bất động sản T.P tại Hà Nội cho biết, ngày mùng 4 được đánh giá là tốt để khai xuân nên từ sáng sớm nên anh đã mở cửa để chào đón những vị khách đầu tiên của năm 2023. Song, dù chờ đợi tới cuối giờ chiều, văn phòng cũng không có ai ghé qua.

screenshot-2023-01-28-093147.png
Không còn khung cảnh nhà đầu tư tranh thủ nghỉ Tết đi mua đất.

Trước diễn biến trầm lắng của thị trường bất động sản, nhiều chủ sàn môi giới quyết định sẽ không khai xuân sớm như các năm trước..

Cuộc khủng hoảng nợ xấu 175 tỷ USD của thị trường bất động sản thế giới

Theo hãng tin Bloomberg, đà sụt giảm của ngành bất động sản toàn cầu ở mọi phân khúc, từ nhà ở cho đến bất động sản thương mại đang khiến bong bóng tín dụng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Số liệu của Bloomberg cho thấy nợ xấu ngành bất động sản thế giới hiện ở mức gần 175 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với ngành đứng thứ 2 là dịch vụ công nghệ phần mềm. 

Khi lãi suất tăng cao và thời kỳ tiền rẻ kết thúc, nhiều dự án bất động sản trên thế giới bị đóng băng. 

Theo Công ty luật Weil, Gotshal & Manges, tỷ lệ nợ xấu của ngành bất động sản châu Âu đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua và nguyên nhân chủ yếu do tính thanh khoản thấp. Dữ liệu của MSCI Inc. cho thấy, giá trị bất động sản thương mại của Anh đã giảm hơn 20% kể từ quý II/2022. Ở Mỹ, mức giảm là khoảng 9%, theo Green Street.

Sự sụt giảm trong giao dịch và phát triển bất động sản thương mại và nhà ở sẽ tác động đến chi tiêu kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến việc làm và tăng trưởng.

Thị trường bất động sản đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mảng khác. Hãng cung ứng vật liệu xây dựng tại Mỹ, Builders FirstSource đã cắt giảm 2.600 việc làm trong khi doanh nghiệp bán đồ nội thất trực tuyến Made.com đến từ Anh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ. Hãng sản xuất đồ gia dụng của Thụy Điển Elextrolux AB tuyên bố sa thải 4.000 lao động trong năm 2022.

Blackstone bị nhà đầu tư đòi rút 5 tỷ USD

Tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới Blackstone đang đứng trước khó khăn khi hàng loạt khách hàng đòi hoàn lại số vốn lên đến 5 tỷ USD đã rót vào một nhóm quỹ của Tập đoàn.

Trả lời nhà đầu tư vào ngày 26/1 vừa qua, Tập đoàn đầu tư có trụ sở tại New York cho biết: Blackstone Property Partners (BPP) - nhóm quỹ đầu tư vào bất động sản của Blackstone, hiện phải đối mặt với nhiều yêu cầu hoàn lại tiền lên đến 7% giá trị tài sản ròng, tức 73 tỷ USD.

BPP bao gồm hàng chục quỹ đầu tư bất động sản của Blackstone với tệp khách hàng là nhiều tổ chức lớn như các quỹ hưu trí hay quỹ tài trợ/từ thiện. Các yêu cầu rút tiền từ BPP không được đáp ứng vì quy định là phải có nguồn tiền mới rót vào thì nhà đầu tư mới được rút tiền ra.

Quy định này ở nhóm quỹ BPP trái ngược với Quỹ đầu tư ủy thác bất động sản (Breit), cũng thuộc Blackstone. Quỹ này năm trước đã bị rút khá nhiều vốn vì những khách hàng cá nhân giàu có lo lắng về thị trường bất động sản về lâu dài, đồng thời có nhu cầu huy động tiền mặt ngắn hạn.

Tháng 12 vừa rồi, Blackstone phải ra lệnh hạn chế rút tiền từ Breit sau khi số tiền rút ra lên tới 2% trị giá tài sản quản lý chỉ trong một tháng, giới hạn khiến Tập đoàn đủ quyền không hoàn trả vốn để giữ nguyên khối tài sản quỹ trị giá 69 tỷ USD.

Jonathan Gray, chủ tịch của Blackstone, hôm 26/1 đã cảnh báo rằng quỹ Breit hiện chưa cho phép rút tiền, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “cố đấm ăn xôi” yêu cầu rút vốn trong tháng Một này.

“Chúng tôi chưa giải quyết hết các yêu cầu rút tiền từ tháng 11 và tháng 12”, ông Gray trả lời phỏng vấn tờ Financial Times. 

Trung Quốc: Người mua nhà trả tiền nhưng nhà không được xây

Mua nhà tại thành phố lớn là giấc mơ của hàng triệu người Trung Quốc. Nhiều người sẵn sàng vay nợ ngân hàng để ký hợp đồng khi mà các dự án còn đang nằm trên giấy hoặc mới bắt đầu khởi công.

Nhưng bong bóng bất động sản đột ngột phát nổ. Theo Nikkei Asia, trong năm 2021 và 2022, hơn một nửa trong tổng số 32 số ngân hàng lớn của Trung Quốc cắt giảm room tín dụng cho thị trường khiến loạt công ty bất động sản lớn lâm vào cảnh nợ nần, buộc phải dừng thi công các dự án còn dang dở.

Tại nước này, khoảng 90% căn hộ mới được chào bán trước khi được xây. Mô hình bán trước xây sau này cho phép các công ty xây dựng huy động tiền nhanh và sớm hơn, nhưng đồng thời đẩy phần rủi ro cho người mua nếu tiến độ và mục đích sử dụng vốn không được kiểm soát chặt chẽ. Theo quy định, tiền thu được từ bán căn hộ chưa xây chỉ được sử dụng phục vụ dự án xây dựng đó. Nhưng thời gian qua, giám sát lỏng lẻo đã cho phép các nhà đầu tư sử dụng chúng cho những mục đích khác.

Khi nhà không được xây, người mua nhà vẫn phải thanh toán lãi vay ngân hàng cho các khoản vay mua nhà đã được giải ngân trước đó. 

Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã khiến cuộc sống của nhiều người dân bình thường bị đảo lộn với tương lai mờ mịt. 

Một số thông tin đáng chú ý khác

Ga Kép – Bắc Giang được tạm khai thác hoạt động liên vận quốc tế

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 42 về việc cho phép ga Kép được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải bổ sung ga Kép là ga liên vận quốc tế để hỗ trợ cho ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Yên Viên (Hà Nội). Do hạn chế về năng lực hạ tầng, 2 ga này đã không đáp ứng được khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Sai phạm tại các dự án liên quan Công ty Xuân Thành ở Hà Nam

Theo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng tại tỉnh Hà Nam (giai đoạn 2012-2018) mới ban hành, Thanh tra Chính phủ xác định 2 dự án gồm Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam và ĐT.495B có nhiều sai phạm liên quan trách nhiệm của UBND tỉnh về giao đất, đấu thầu.

Chủ trương giao đất cho nhà đầu tư trên cơ sở định giá đất để tạo nguồn vốn thanh toán đã trái với quy định của Luật Đất đai 2003 và quy chế đấu giá đất của Chính phủ. Đồng thời UBND tỉnh cũng không bố trí được vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

Tại dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Hà Nam, giá gói thầu lớn hơn hạn mức được phép chỉ định thầu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn phê duyệt đơn giá vật liệu xây dựng, thi công, thiết bị cho dự án; dù một số có đơn giá cao hơn thông báo giá vật liệu của tỉnh, có suất đầu tư cao hơn mức công bố của Bộ Xây dựng. Một số chi phí chưa đúng quy định với tổng số tiền trên 465 tỷ. Tổng số tiền còn nợ các nhà thầu là hơn 2.800 tỷ đồng, riêng Công ty Xuân Thành gần 2.600 tỷ đồng.

Với dự án ĐT.495B, UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Thanh Liêm vay tiền để giải phóng mặt bằng đã không đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không được quản lý tại Kho bạc Nhà nước, vi phạm Luật Ngân sách 2022. Số tiền chi phí xây dựng trong dự toán tại dự án ĐT.495B được phê duyệt không đúng. 

Một loạt các dự án khủng như KĐT Đồng Văn Xanh, KĐT mới River Silk City, TTTM tổng hợp tại phường Liêm Chính (thành phố Phủ Lý), Khu dịch vụ thương mại KCN Đồng Văn I, Tổ hợp khách sạn, TTTM và căn hộ để bán – cho thuê Mường Thanh… đều vướng nhiều sai phạm. 


















Bài liên quan

(0) Bình luận
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn BĐS "cả phía người bán và người mua"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO