[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Sốt đất tái diễn ở ngoại thành Hà Nội, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

Thủy Tiên SM | 11:09 01/10/2022

Tuần qua, thị trường bất động sản (BĐS) thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội sôi động bởi các tin đồn về quy hoạch dự án; BĐS công nghiệp và văn phòng cho thuê chứng minh sức nóng khi nhu cầu liên tục tăng cao.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Sốt đất tái diễn ở ngoại thành Hà Nội, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng
Thị trường tuần qua ghi nhận nhiều chuyển động ở loại hình văn phòng cho thuê, BĐS công nghiệp. Ảnh: Lê Ngọc Huy
Nghe: Bản tin 7 ngày địa ốc

BĐS Sơn Tây tái sốt và những bài học nhãn tiền

Giữa lúc thị trường địa ốc đóng băng tại nhiều địa phương, BĐS khu vực thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội đang bị thổi nóng lên từng ngày. Nguyên nhân được cho giới cò đất đã liên tục lan truyền văn bản về việc một doanh nghiệp lớn đề xuất nghiên cứu quy hoạch dự án trên địa bàn.

Tính xác thực của văn bản nói trên chưa được làm rõ song tình trạng thổi đất ăn theo các thông tin quay hoạch, bao gồm cả các thông tin không chính thống, có thể để lại nhiều hệ quả. Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã mắc kẹt sau những cơn sốt đất chóng vánh, chủ yếu do tin vào lời và chiêu trò của giới cò đất.

Hiện tượng này tương tự tình trạng thối giá đất tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) cách đây hơn 2 năm. Bấy giờ, hàng trăm người bao gồm cả môi giới và nhà đầu tư đã kéo về để kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin Tập đoàn Vingroup đề nghị xây dựng 2 khu đô thị tại địa phương này.

sot_dat_hoa_lac_jhxe.jpg
Năm 2020, sau khi chính quyền can thiệp, cơn sốt đất tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội nhanh chóng hạ nhiệt. Ảnh: Lâm Tùng

Giá đất trước khi sốt chỉ 6-9 triệu đồng/m2 sau đó nhanh chóng tăng lên 12-20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng như nhiều cơn sốt khác, sức nóng của các lô đất nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương vào cuộc. Thực tế từ đó đến nay, Vingroup chưa có thêm động thái nào liên quan đến 2 dự án từng gây sốt tại Thạch Thất.

Hay vào những tháng đầu năm 2021, cơn sốt đất đổ bộ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thị trường BĐS được dịp sôi động. Nhiều nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm đã ôm tiền chạy theo cơn sốt, với lòng tin có thể kiếm tiền từ BĐS.

Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, sau các cơn sốt đất, chỉ một số ít người may mắn thắng cuộc. Không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, huy động vốn khắp nơi phải ngậm trái đắng, đất không bán được kể cả khi chấp nhận cắt lỗ.

BĐS văn phòng, công nghiệp, kho bãi phục hồi và tăng trưởng mạnh

Chia sẻ về thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM, ông Leo Nguyễn, Giám đốc bộ phận Chiến lược và Giải pháp cho thuê của Knight Frank Việt Nam cho biết, nhu cầu thuê đang tăng trưởng trở lại một cách ấn tượng với hàng loạt giao dịch được ghi nhận.

Các tòa nhà hạng A tại khu vực trung tâm TP.HCM đang ghi nhận nhu cầu thuê rất cao khiến giá thuê tăng 4,3%, đạt mức 63 USD/m2 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại quận 7, phân khúc này cũng đã tăng giá 0,6% so với quý trước, đạt mức 34,3 USD/m2. Dự kiến các văn phòng hạng A có thể tăng giá thê lên mức trung bình 58 USD/m2 trên toàn thị trường vào cuối năm nay.

Với các tòa nhà cho thuê thuộc hạng B, tỷ lệ lấp đầy cũng đạt mức cao, gần 91%. Giá thuê không có nhiều biến động, trung bình quanh mức 33,8 USD/m2.

Liên quan đến BĐS công nghiệp, theo Báo cáo vừa công bố của Savills, nguồn cung BĐS công nghiệp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Với ưu thế về cơ sở hạ tầng và giao thông, quỹ đất dành cho công nghiệp tại hai khu vực này cạnh tranh hơn, vô hình trung đẩy giá thuê cao hơn.

Giá tại Hà Nội đạt mức gần 140 USD/m2, cao nhất tại miền Bắc. Tương tự, giá tại TP.HCM đã vượt ngưỡng 200 USD/m2 và đứng đầu trong khu vực miền Nam. Trong khi đó, các tỉnh lân cận vẫn có dự án trống và ở mức giá mềm hơn, hứa hẹn là lựa chọn thay thế của nhiều nhà đầu tư.

Bà Hà Đào - Quản lý bộ phận phát triển kinh doanh của Knight Frank Việt Nam - cho biết sau gần một năm hoạt động tại Việt Nam, đơn vị này quyết định mở rộng thêm lĩnh vực BĐS công nghiệp và logistics, bên cạnh các mảng chuyên môn trước nay như thương mại, văn phòng, nhà ở. Lý do là ngày càng nhiều khách hàng tìm đến hãng tư vấn này với ý định đầu tư hoặc tìm thuê nhà kho, nhà xưởng, nhà máy.

Tính riêng lĩnh vực nhà kho, thống kê của Cushman & Wakefield cho thấy bình quân tỷ lệ lấp đầy nhà kho ở TP.HCM và Hà Nội 2 quý đầu năm đã đạt mức 91%. Trong các tháng còn lại, công suất hoạt động ở các nhà kho tại những đô thị lớn này dự kiến có thể lên đến 100% khi các nhà bán lẻ ký hợp đồng thuê ngắn hạn để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Dù vậy, đến nay, tổng nguồn cung nhà kho ở 2 thành phố chỉ đạt lần lượt 705.000 m2 và 180.000 m2. Dưới sức ép tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, sự khan hiếm nguồn cung nhà kho ngày càng được thể hiện rõ.

3 địa phương thu hồi, không chấp thuận dự án

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi không đồng ý cho CTCP Xây dựng Đắc Đạo nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc rộng 40 ha tại xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi. Nguyên nhân là dự án này không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng TP. Quảng Ngãi đã được phê duyệt trước đó.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt dự án đầu tư Khu Thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên do không đảm bảo tiến độ.

Còn tại Bình Dương, tỉnh vừa ra quyết định thu hồi chủ trương cho Vingroup nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 2 dự án tại thị xã Tân Uyên và Bắc Tân Uyên.

Lý do thu hồi được cơ quan chức năng đưa ra là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Tân Uyên và đồ án quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên đã được cơ quan tổ chức hoàn thiện và báo cáo hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh. Do đó việc cho doanh nghiệp nghiên cứu phương án quy hoạch tại thời điểm hiện nay không còn phù hợp.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, Bình Dương chấp thuận chủ trương để Vingroup nghiên cứu lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 2 dự án nói trên. Tổng diện tích hai khu rộng gần 1.000 ha.

Phú Yên muốn chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang làm sân golf

Cử tri tỉnh Phú Yên cho biết hiện nay, tại khu vực đồng bằng trên địa bàn tỉnh có nhiều diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, chỉ trồng được một vụ hoặc người dân bỏ hoang không canh tác hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Từ đó, cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cho phép địa phương này chuyển đổi đất trồng lúa cho hiệu quả thấp ở những vị trí phù hợp, thuận lợi sang thu hút đầu tư dự án sân golf.

hav_6354_.jpg
Dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5 ha đất trồng lúa một vụ. Ảnh: Hoàng Hà.

Trả lời cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định, một trong các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf là đất trồng lúa, ngoại trừ các vùng trung du, miền núi. Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tránh các kẽ hở chính sách để lợi dụng chuyển đổi đất lúa tràn lan sang làm sân golf.

"Hiện nay, chưa có địa phương đề xuất việc chuyển đổi này. Trường hợp có nhiều địa phương đề xuất sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thấp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu và kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.



-

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Sốt đất tái diễn ở ngoại thành Hà Nội, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO