Doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ có lợi thế lớn hơn
Trong số những nội dung được sửa đổi tại dự thảo, việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang áp dụng thuế suất 5% là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường, người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay thực chất đây là quy định đã áp dụng trước năm 2015. Từ năm 2015, Luật Thuế GTGT mới khi đó quy định phân bón không chịu thuế GTGT.
Đến nay, theo đề nghị của các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng, giá phân bón phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá thành sản xuất, cung cầu của thị trường chứ không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm. Chỉ khi tất cả các yếu tố trên không đổi thì thuế tăng hay giảm bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến giá thành bấy nhiêu.
Trên thực tế, giá thành sản xuất cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như khoa học công nghệ, năng suất lao động và đặc biệt là cung cầu. Ngay cả khi mặt hàng này không chịu thuế thì trong giai đoạn 2018 đến 2022, giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6%. Năm 2023, giá phân đạm ure cũng lại tăng 6,29 - 6,4% do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, do cầu cao cung thấp.
Xét về lợi ích của quy định mới, Phó Thủ tướng cho rằng khi áp thuế thì hàng hóa trong nước và nhập khẩu đều phải chịu thuế. Theo tính toán, số thuế phải nộp thêm chủ yếu của hàng nhập khẩu do hàng nhập khẩu chiếm số lượng lớn hơn. Cụ thể, doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thêm 1.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều số thuế doanh nghiệp trong nước phải nộp thêm là 200 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi thế lớn hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Nhờ lợi thế này, doanh nghiệp trong nước có thể cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần và qua đó giảm được giá bán cho người nông dân. Từ những lợi ích như vậy, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn được các đại biểu ủng hộ phương án đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm chủ thị trường.
Phân bón là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá
Theo báo cáo, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.
Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
Trong quá trình góp ý cũng có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, UBTVQH cho hay, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.
Ngoài ra, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch Covid-19. Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.