Những ngày qua, phim Mai của Trấn Thành liên tục phá kỷ lục phòng vé. Ở ngày đầu công chiếu (10/2, tức mùng 1 Tết), phim có 225.000 vé bán ra, đạt doanh thu 23,3 tỷ đồng. Theo thông tin từ nhà sản xuất, đến trưa ngày 17/2, "Mai" đã chạm mốc doanh thu 230 tỷ đồng, là dự án điện ảnh đạt thành tích này nhanh nhất mọi thời đại và phá vỡ mọi kỷ lục mà Trấn Thành tạo ra với những dự án trước như Nhà bà Nữ (1 tuần) và Bố già (9 ngày).
Với thành tích tăng nhanh về doanh thu hiện tại của Mai cùng 2 dự án trước đó là Bố già (427 tỷ đồng), Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng) đã giúp Trấn Thành trở thành đạo diễn đầu tiên có tổng doanh thu trên 1.000 tỷ đồng của phòng vé Việt.
Con số thu về chứng minh rằng thị trường phim Tết là một thị trường hấp dẫn. Và tất yếu, đó là cuộc cạnh tranh gay cấn với sự tham gia của rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất giàu kinh nghiệm.
Tết Giáp Thìn 2024 cũng không ngoại lệ khi nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đồng loạt tung “át chủ bài”. Đạo diễn Nhất Trung - người được xem là “mát tay” khi sở hữu không ít bộ phim mang về doanh thu trăm tỷ đồng mỗi mùa Tết – cũng trở lại sau 5 năm với phim Gặp lại chị Bầu.
Nhất Trung là đạo diễn bộ phim từng phá kỷ lục dịp Tết Kỷ Hợi 2019 – Cua lại vợ Bầu - với doanh thu tính riêng ngày mùng 3 Tết đã thu về 15,8 tỷ.
Xuất hiện và chia sẻ trong "Doanh nhân chính truyện" với Saigontimes, ông Trung bộc bạch rằng không có một công thức cụ thể nào cho sự thành công của một dự án phim, khi tất cả những biến số luôn có thể xuất hiện giờ chót.
“Phim Tết đúng là miếng bánh lớn nhưng nó cũng sẽ là một miếng bánh không đơn giản” - đạo diễn Nhất Trung nói - "Sự lựa chọn không nằm ở chúng ta. Bởi, có một cái gì đó rất duy tâm, vai diễn sẽ chọn diễn viên, kịch bản sẽ chọn đạo diễn và ngày chiếu cũng sẽ chọn bộ phim cho nó".
Riêng phim Tết, kịch bản thông thường sẽ hướng về gia đình, gần gũi, có tính hài hước. Phim Gặp lại chị Bầu cũng bắt nguồn từ mong muốn khai thác “ngách” thực tế về những người phụ nữ trong giai đoạn làm mẹ (gần gũi nhưng hiện ít được các phim khai thác).
Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức, vì năm nào phim Tết cũng nói về chủ đề gia đình, đoàn viên thì sẽ trở nên nhàm chán. Chưa kể, dàn diễn viên là những “gương mặt cũ”, không chỉ nhà sản xuất, đạo diễn mà cả diễn viên đều rất sợ lặp lại chính mình, sợ mình cũ. Đó chính là thử thách không của riêng ai trong ngành.
Một thách thức khác, khán giả Việt hiện tại tiếp cận với phim ảnh thế giới dễ dàng, nên phim Tết nếu không mang lại giá trị mà khán giả cần thì rất khó để họ bỏ một số tiền và thời gian đi xem. Giá trị ở đây là tiếng cười, là thông điệp gửi gắm, là sự mãn nhãn…
Về chi phí, theo đạo diễn Nhất Trung, không chỉ phim Tết mới làm lớn, mà chi phí phụ thuộc vào quy mô, tính chất từng bộ phim. Lấy ví dụ phim Đất rừng Phương Nam, dù không chiếu ngày Tết nhưng là một trong những phim “ngốn” nhiều tiền nhất đến nay.
Dù vậy, khi làm phim Tết thì chi phí Marketing sẽ rất lớn (thậm chí tăng gấp 3 lần ngày thường), chưa kể phải đầu tư phủ sóng nhiều kênh nên chi phí truyền thông sẽ có phần cao vượt trội so với phim thường.
Nhìn sâu xa hơn, ông Trung phân trần thị trường còn thiếu phim có chiều sâu. Phải làm sao để cân bằng thị hiếu, chiều sâu và lợi nhuận?
“Phim Việt theo tôi thực sự còn yếu ở khâu biên kịch. Đúng là đã có những nhà biên kịch giỏi và tạo các bộ phim rất hay, nhưng bản thân tôi vẫn thấy thiếu. Mỗi năm có khoảng 30 bộ phim rạp, số phim thắng vỏn vẹn 10 phim đổ lại. Câu hỏi đặt ra tại sao?”, ông đặt vấn đề.
Có nhiều yếu tố giải thích cho điều này, nhưng theo ông Trung thì kịch bản là một trong những yếu tố quan trọng. Khi có kịch bản tốt, hành trình phía sau cũng thuận lợi; còn kịch bản có vấn đề thì bộ phim sẽ không tốt, sẽ thất bại về marketing, về doanh thu, cả về quan hệ các bên… bản thân ông thẳng thắn thừa nhận nhiều lần gặp phải vấn đề này.
Cũng liên quan đến việc cân bằng giữa làm phim có chiều sâu và đáp ứng thị hiếu khán giả, ông Trung tâm sự đang có những kịch bản rất tâm huyết và theo ông là có chiều sâu. Nhưng, khi bàn với cổ đông, đội ngũ làm phim, thì xem xét thấy sẽ kén khán giả, hoặc làm kỹ xảo phức tạp nên ý tưởng đó bị bỏ qua.
“Đây chính là nốt trầm trong cuộc đời của người đạo diễn vì không phải muốn cái gì cũng làm được. Do đó, bạn cần biết mình sống trong tập thể, không thể độc hành. Độc hành có thể thành công nhưng chỉ đi đoạn đường ngắn”, ông nói thêm.
Và để giải quyết vấn đề này, theo ông Trung thị trường cần thời gian. Ví như hành trình điện ảnh Việt, từ khi mới giải phóng chỉ còn vài rạp của Nhà nước cho tới ngày có những đơn vị mới, và hôm nay được xem là sự bùng nổ. “Mấy năm nay phim Việt đang phát triển rất tốt. Nhiều đạo diễn trẻ mới xuất hiện, nhà sản xuất cũng mạnh dạn đầu tư và có nhiều bộ phim đạt kỷ lục về doanh thu”, ông Trung tự hào.