Các nhà máy lọc dầu ở châu Á, cũng như toàn thị trường dầu thô, đã cảm thấy hết sức bất ngờ trước động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ và ngay lập tức chuẩn bị cho việc đa dạng hóa việc mua hàng trên thị trường giao ngay.
Quyết định gây sốc từ Riyadh và một số đối tác được đưa ra ngay trước khi giá bán chính thức (OSP) của dầu thô từ Saudi Arabia Oil trong tháng 5 được công bố. Những người mua dầu thô kỳ hạn của Saudi Arabia bay tỏ lo ngại liệu họ có thể mua đủ số lượng cũng như loại dầu mong muốn từ Aramco vào tháng tới hay không khi vương quốc này cắt giảm đến 500.000 thùng dầu/ngày.
Do tình trạng hỗn loạn trên thị trường, một số nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang cân nhắc việc mua dầu giao nay từ các nhà cung cấp ở Mỹ Latin, Mỹ, Tây Phi để bù đắp cho sự thiếu hụt nếu dầu của Saudi Aramco và các nhà sản xuất khác quá đắt.
Giá dầu thô kỳ hạn đã tăng trong phiên mở cửa tuần từ 4/3 sau khi thông tin cắt giảm nguồn cung được công bố. Kế hoạch này được công bố từng phần vào cuối tuần qua với người đi đầu là Saudi Arabia, sau đó đến một số quốc gia khác.
Các quốc gia vùng vịnh như Saudi Arabia, Iraq bán phần lớn dầu thô của họ cho đối tác châu Á, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những người mua lớn nhất. Aramco thường phát hành giá bán chính thức (OSP) trong vòng 5 ngày đầu tiên của tháng và mức giá này được các công ty khác sử dụng làm điểm chuẩn.
Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg vào cuối tuần trước, 6 công ty lọc dầu và thương nhân đã dự Aramco sẽ giảm giá loại dầu Arab Light của họ.
Tuy nhiên, động thái cắt giảm sản lượng đã khiến giá dầu Brent kỳ hạn tăng hơn 8% trong phiên đầu tuần. Động thái này xuất hiện vào một thời điểm phức tạp, khi lo ngại về tốc độ tiêu thụ xăng dầu yếu đi tại Mỹ và châu Âu nếu suy thoái kinh tế xảy ra.
Trước khi “cú sốc” này xảy ra, PetroChina thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc đang khai thác nguồn cung từ Canada, Colombia, Ecuador. Họ sẽ mua ít nhất 8 triệu thùng dầu vào tháng này khi 1 nhà máy lọc dầu mới chính thức bắt đầu sản xuất tại Quảng Đông.
Tại Ấn Độ, một khách hàng lớn của dầu thô Trung Đông, Công ty lọc hóa dầu Ratnagiri cho biết cũng đang xây dựng một nhà máy lọc dầu. CEO công ty này là Mukesh Surana nhận định OPEC+ cắt giảm nguồn cung vì họ thấy trước một thị trường yếu hơn. “Tôi không thấy cơ hội giá dầu tăng trên 90 USD/thùng”, ông này nói
Theo công bố của các thành viên OPEC+, Saudi Arabia sẽ tiên phong cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày, theo sau là các nước như Kuwait, UAE, Algeria.
Như vậy, từ tháng tới, sản lượng dầu thô bị cắt giảm trên thị trường có thể lên đến 1,1 triệu thùng. Kể từ tháng 6, sản lượng cắt giảm sẽ lên mức 1,6 triệu thùng, khi cộng thêm mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày của Nga.