Hai tỉnh có chi phí sống rẻ nhất Đông Nam Bộ; thấp hơn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai

Dy Khoa | 15:32 03/04/2023

Đây là hai tỉnh giáp ranh nhau, cùng có biên giới trên bộ với Vương quốc Campuchia.

Hai tỉnh có chi phí sống rẻ nhất Đông Nam Bộ; thấp hơn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai

Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, vùng Đồng bằng sông Hồng có chỉ số SCOLI năm 2022 cao nhất, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất. Năm địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm 2022 là Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.

Trong đó, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

photo_6147460199586314013_y.jpg
Trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ số SCOLI năm 2022 của Tây Ninh và Bình Phước thấp nhất. Trong ảnh là ga cáp treo tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: Dy Khoa.

Trong khu vực miền Đông Nam Bộ, chỉ số SCOLI năm 2022 dao động từ 89,21-96,20%. Cụ thể, TP HCM có SCOLI năm 2022 là 96,20%. Bà Rịa - Vũng Tàu 95,86%, Bình Dương 95,4%, Đồng Nai 92,27%. Hai tỉnh có SCOLI năm 2022 thấp nhất (hay có chi phí sống rẻ nhất) trong khu vực Đông Nam Bộ là Tây Ninh (89,21%) và Bình Phước (91,50%).

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian lấy Hà Nội làm mốc so sánh với 100%. Như vậy, chi phí sống ở hai tỉnh này rẻ hơn Hà Nội khoảng 10%. So nội vùng, Tây Ninh có chi phí sống rẻ hơn TP HCM xấp xỉ 7%, rẻ hơn Bà Rịa - Vũng Tàu 6,64% và cũng rẻ hơn so với chi phí sống tại Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 6,19% và 3,06%. Đặc biệt, chi phí sống tại Tây Ninh còn rẻ hơn Bình Phước gần 2,3%. Với chỉ số SCOLI năm 2022 như trên, Tây Ninh xếp như 55/63 tỉnh, thành phố về mức đỏ đắt đỏ.

photo_6147460199586314015_y.jpg
SCOLI năm 2022 của Tây Ninh là 89,21%, Bình Phước 91,50%. Trong ảnh là vườn nhà một hộ dân tại Thị xã Bình Long (Bình Phước). Ảnh: Dy Khoa.

Tương tự, chi phí sống tại Bình Phước cũng rẻ hơn 9,5% so với Hà Nội. Trong khu vực miền Đông, SCOLI năm 2022 của Bình Phước thấp hơn TP HCM 4,7%, thấp hơn Bà Rịa - Vũng Tàu 4,36%, thấp hơn hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 3,9% và 0,77%. Bình Phước đứng thứ 36 trong danh sách này.

Tây Ninh và Bình Phước là hai tỉnh giáp ranh, cùng tiếp giáp với nước bạn Vương quốc Campuchia. Hai tỉnh này có các cửa khẩu quốc tế nổi tiếng như Mộc Bài (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước)... Cả Tây Ninh, Bình Phước đều đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ hiện đại.

Cả hai tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp như cao su, mì, điều… Về du lịch, Tây Ninh sở hữu danh thắng quần thể Núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, các địa điểm về nguồn trong thời kỳ kháng chiến… Bình Phước thì có các thác do địa hình mang tính chuyển từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ.

Kinh tế quý 1/2023 của hai tỉnh có SCOLI năm 2022 thấp nhất Đông Nam Bộ

Theo dự thảo báo cáo quý 1/2023 của Tỉnh uỷ Tây Ninh, kinh tế tỉnh này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 8.400 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,9% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng 11,1%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán; giải ngân xây dựng cơ bản đạt yêu cầu đề ra, tăng cả về tỷ lệ và số tuyệt đối so cùng kỳ. Du lịch tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 980 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ, tạo điều kiện, động lực lan tỏa cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác.

photo_6147460199586314017_y.jpg
Tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 của Tây Ninh đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán. Trong ảnh, chợ Tân Châu (Tây Ninh). Ảnh: Dy Khoa.

Tuy nhiên thu hút đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp đà phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, thu hút đầu tư trong nước giảm 90,9% so với cùng kỳ, thu hút đầu tư nước ngoài giảm 52,2% so với cùng kỳ; cấp mới 148 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 649,6 tỷ đồng, giảm 26% về số doanh nghiệp và giảm 50,6% về vốn đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu giảm 19,7% so với cùng kỳ…

Trong quý 1/2023,  Tây Ninh tổ chức thành công hội Xuân Núi Bà Đen năm Quý Mão 2023 và lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I; nghề làm muối ớt Tây Ninh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Quý 1/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước đạt 7,6%, đứng thứ 17 so với cả nước. Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) tăng 5,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước 2.639 tỷ đồng, đạt 18% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 16% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh thông qua.

photo_6147460199586314016_y.jpg
Cây cao su được trồng nhiều tại Tây Ninh và Bình Phước. Ảnh: Dy Khoa.

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 933 triệu USD, tăng 10,14% so với cùng kỳ năm 2022. Thu hút đầu tư trong nước quý 1 được 10 dự án với số vốn 2.007 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài được 9 dự án với số vốn 57 triệu 448 nghìn USD.

Quý 1, Bình Phước thành lập được 9 hợp tác xã, đạt 25,71%. Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt hơn 18 ngàn 600 tỷ đồng, tăng 26,44% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 27,2% kế hoạch năm. 

Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm, tính đến ngày 27-3-2023, toàn tỉnh giải ngân được 781 tỷ 57 triệu đồng, đạt 10,5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và đạt 13,6% kế hoạch tỉnh giao.


(0) Bình luận
Hai tỉnh có chi phí sống rẻ nhất Đông Nam Bộ; thấp hơn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO