"Đó là giai đoạn không tưởng. Không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới. Họ nghĩ rằng tôi quá ngông cuồng", TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - chia sẻ trong một phim tài liệu trên kênh truyền hình Mỹ Discovery mới đây.
Bộ phim tài liệu có tên “Silicon Delta - Cách mạng phát triển Công nghệ số Việt Nam” (Silicon Delta - The Story of Vietnam’s Tech Revolution) nói về sự chuyển mình của Việt Nam với những đóng góp quan trọng của ngành công nghệ thông tin (CNTT).
"Một quốc gia chuyển mình mạnh mẽ, vững bước tới tương lai của công nghệ, một quốc gia với mức tăng trưởng GDP bình quân 6,6%, một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới", Discovery bình luận.
Từ cuối những năm 1980, Việt Nam từ một nền kinh tế khó khăn thời hậu chiến trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu Châu Á.
Chủ tịch FPT: "Người ta nghĩ tôi quá ngông cuồng!"
FPT thành lập năm 1988, với mục tiêu ban đầu là "giúp bạn bè tôi thoát cảnh đói nghèo", ông Bình nhớ lại.
Bước ngoặt đến với FPT vào năm 1998, với Hội nghị Diên Hồng tổ chức tại Hải Phòng với mục tiêu "nâng FPT lên một tầm cao mới". Tại đây, FPT đã vạch ra chiến lược "Xuất hay là chết", ông Bình quyết định FPT chỉ có con đường duy nhất để phát triển là Go Global - xuất khẩu phần mềm.
Quyết định này của ông Bình bị cho là "crazy". Nhiều người cũng cho ông là "madman" khi quyết định xuất khẩu phần mềm ở thời điểm đó.
"Hơn hai thập kỷ trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới. Cứ đi là có đường", nhà sáng lập FPT kể lại.
"Anh Bình thực sự crazy. Anh nói đến những thứ ở trên trời, trong khi chúng tôi chân đang chạm đất. Làm thế nào để đi lên trời cho được?", ông Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software - bày tỏ.
Đàn chim công nghệ Việt bay khắp thế giới
"FPT đã cùng các doanh nghiệp CNTT khác đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu".
"Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT, một nửa trong số đó là lập trình viên. Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới", ông Bình chia sẻ.
Từ một quốc gia không tên trên bản đồ công nghệ số thế giới, vượt qua những thách thức, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế số hàng đầu khu vực châu Á và đang ở vị thế lý tưởng để dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ mới cũng như trở thành trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.
"Thật khó tin khi nhìn vào tốc độ phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua. Đây là một câu chuyện chưa từng xảy ra. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá giới hạn trong các lĩnh vực trọng yếu như công nghệ phần mềm ô tô, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo", ông Vinnie Lauria – Đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures - bình luận.
Bộ phim tài liệu của Discovery dài hơn 20 phút, được phát sóng tại Đông Nam Á, Đức, Nhật Bản và được phát hành bằng 10 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Việt…..
Bộ phim được chia làm 3 phần. Phần một nói về Việt Nam ở thời kỳ khó khăn sau chiến tranh. Với chính sách Đổi mới, Việt Nam không những thu hút được các doanh nghiệp lớn của nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ như IBM, Microsoft, HP mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, hình thành những doanh nghiệp tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia như FPT.
Phần hai của bộ phim dẫn dắt người xem đến với hành trình đưa trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Vượt qua những thách thức của khủng hoảng kinh tế, bong bóng dot-com, các doanh nghiệp công nghệ Việt đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm.
Phần ba của bộ phim cho thấy tinh thần kiên cường vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và khả năng đổi mới sáng tạo, bắt kịp các xu hướng công nghệ mới như AI, Bán dẫn, Automotive…. từng bước khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và vươn lên trở thành trung tâm công nghệ mới, trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.