Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã: PC1) cho thấy, công ty còn cho cá nhân Nguyễn Tất Cường vay 367 tỷ đồng hưởng lãi 3,5% - 5%/năm. Ban Giám đốc xác nhận cá nhân Nguyễn Tất Cường không phải là bên liên quan của tập đoàn. Tại ngày phát hành báo cáo tài chính, gốc và lãi vay của các khoản vay đã được gia hạn đến quý II năm sau.
Ban lãnh đạo PC1 đánh giá các khoản vay với ông Nguyễn Tất Cường hoàn toàn có khả năng thu hồi do được bảo đảm bằng 8 triệu cổ phiếu niêm yết thuộc sở hữu của một cổ đông cá nhân và quyền sửa dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với 2 bất động sản thuộc sở hữu của ông Cường.
Trong kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6, ông Cường đã thanh toán toàn bộ số lãi vay lũy kế đến ngày 31/12/2023 của tất cả các khoản vay trị giá 19,4 tỷ đồng và đến ngày 6/9 đã thanh toán 1 khoản vay trị giá 24,4 tỷ đồng cùng toàn bộ lãi vay liên quan.
Ngoài ra, công ty còn khoản cho cá nhân Trần Thị Tuyết vay trị giá 19,6 tỷ đồng, lãi suất 3,5%/năm. Trong năm 2023, khoản vay được gia hạn đến ngày 31/12/20224. Ban Giám đốc xác nhận cá nhân Trần Thị Tuyết không phải bên liên quan và đánh giá khoản vay có khả năng thu hồi do cá nhân vay vẫn đang thực hiện thanh toán.
Tập đoàn PC1 làm ăn ra sao?
CTCP Tập đoàn PC1 được thành lập vào ngày 02/03/1963. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa. Ba năm sau, Tập đoàn PC1 trở thành công ty đại chúng.
Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển nhưng tình hình kinh doanh của Tập đoàn PC1 chỉ thật sự khởi sắc kể từ khi Quy hoạch điện 7 được ban hành (từ năm 2011).
Giai đoạn 2009 - 2013, công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm trên 15%, với doanh thu hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2016, công ty chính thức được niêm yết trên HoSE với mã cổ phiếu là Tập đoàn PC1. Đặc biệt trong 8 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của Tập đoàn PC1 bật tăng mạnh mẽ.
Trong công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn PC1 đạt 319 tỷ đồng, tăng thêm 116 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng tăng từ 143 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.
Doanh thu thuần sau soát xét tăng thêm 50 tỷ đồng, nhưng giá vốn giảm 50 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận gộp tăng thêm 101 tỷ đồng lên 1.008 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận liên doanh và liên kết tăng từ 40 tỷ lên 64 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết có sự chênh lệch trên do tiến hành điều chỉnh hồi tố về thuế giá trị gia tăng và thuế tài nguyên tại Công ty cổ phần Khoáng sản Tấn Phát. Mặt khác, công ty cũng thay đổi phương pháp phân bổ tài sản quyền khai thác dự án tại công ty liên kết, từ phương pháp đường thẳng sang phương pháp phân bổ theo doanh thu/diện tích bán ra.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu Tập đoàn PC1 tăng 78% lên 5.306 tỷ đồng; lãi sau thuế gấp 5,4 lần lên 319 tỷ đồng. Phần lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty đột biến từ 2 tỷ lên 240 tỷ đồng.
Bên cạnh những điều chỉnh sau soát xét thì kết quả tích cực nửa đầu năm còn đến từ tăng trưởng tích cực ở lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp, lĩnh vực năng lượng và nhà máy tuyển quặng.
Cụ thể, lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp ghi nhận doanh thu tăng do gia tăng việc thực hiện, nghiệm thu các hợp đồng xây lắp, sản xuất công nghiệp, góp phần tăng lợi nhuận gộp so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nhà máy tuyển quặng của công ty con vận hành chính thức từ tháng 6/2023 nên kỳ này năm nay có kết quả kinh doanh tăng.
Tại cuối quý II, Tập đoàn PC1 có 21.658 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 1.485 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tổng trị giá 3.331 tỷ đồng, công ty hưởng lãi suất 3,5% -5%/năm hoặc 1% – 7,5%/năm với các khoản tiền gửi ngân hàng.
Về phần nguồn vốn, công ty vay nợ 11.354 tỷ đồng, tăng thêm 614 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu 1,5 lần. Công ty vay để đầu tư các dự án thủy điện, điện gió và nhà máy tuyển quặng Niken – Đồng.