Sáng 18/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Đến buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong số các Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026 được phê chuẩn bổ nhiệm có Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Bộ KH&CN được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ KH&CN (cũ) và Bộ TT&TT, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho 2 bộ này; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ TT&TT sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Sau hợp nhất, Bộ KH&CN (mới) với 26 đầu mối, giảm 16 đầu mối so với trước hợp nhất, tương ứng giảm 38,1%. Biên chế sau hợp nhất của Bộ mới có 1.072 công chức, 2.312 viên chức.
Trước khi hợp nhất Bộ KH&CN (cũ) có 3 thứ trưởng, Bộ TT&TT có 3 thứ trưởng. Ngày 17/2, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, quê tỉnh Bắc Ninh; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô, Thạc sĩ viễn thông ở Australia, Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Trước khi giữ chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông năm 2018, ông Hùng có thời gian dài công tác tại Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Binh chủng Thông tin liên lạc) - sau là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Bộ Quốc phòng).
Ông là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Trong hơn 6 năm đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng, ông đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết liệt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền tảng công nghệ quốc gia và đưa Việt Nam trở thành quốc gia số.
Ông luôn trăn trở đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường. Theo ông, đất nước muốn hùng cường thì phải có giấc mơ lớn, được nuôi dưỡng bằng những hành động cụ thể. Ông theo đuổi mục tiêu xây dựng một Việt Nam số, xã hội số, nơi công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục.
Một trong những quan điểm lớn của ông là "Make in Vietnam" - khuyến khích phát triển công nghệ và sản phẩm công nghệ cao do người Việt tạo ra, phục vụ người Việt và vươn ra toàn cầu. Ông tin rằng Việt Nam có đủ tiềm năng và nguồn lực để tự chủ về công nghệ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số và xã hội số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng số quốc gia, bao gồm việc phát triển mạng lưới 5G, điện toán đám mây và nền tảng dữ liệu quốc gia. Ông đã chỉ đạo và thúc đẩy xây dựng và nâng cấp mạng lưới viễn thông, Internet, các nền tảng số quốc gia, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số dễ dàng, thuận tiện. Hạ tầng dữ liệu toàn quốc đạt 2MW/1 triệu dân, giúp Việt Nam lọt top 60 toàn cầu.
Ông coi chuyển đổi số là phương thức phát triển đột phá, giúp Việt Nam rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều chương trình, dự án lớn như Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các nền tảng số phục vụ người dân đã được triển khai thành công. Năm 2024, Việt Nam tăng 15 hạng lên thứ 71 thế giới về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới top 40 vào năm 2030.
Ông cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và hỗ trợ các startup công nghệ trong nước phát triển. Hạ tầng số được cải thiện, dịch vụ số phát triển mạnh mẽ, an toàn thông tin được chú trọng hơn, giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số. Ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam năm 2024 đã top 20 thế giới. Việt Nam xếp thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số/GDP (19%).