Núi nhôm từng được định giá 5 tỷ USD bị bỏ xó ở Vũng Tàu: Không bằng "hạt cát" so với kho báu lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam mà Thaco, Hoà Phát... rót hàng tỷ đô đầu tư

Huyền Trang | 15:47 10/07/2023

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, trữ lượng và tiềm năng về bô xít và nhôm ở Việt Nam còn rất lớn.

Núi nhôm từng được định giá 5 tỷ USD bị bỏ xó ở Vũng Tàu: Không bằng "hạt cát" so với kho báu lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam mà Thaco, Hoà Phát... rót hàng tỷ đô đầu tư

Kho nhôm 1,8 triệu tấn thuộc về Global Vietnam Aluminium (GVA) hay Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng.

Hiện "núi nhôm" này vẫn đang được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam. Chỉ có một khối lượng nhỏ trong số đó đã được đưa vào dây chuyền sản xuất.

Kho nhôm từng được định giá 5 tỷ USD (dù hiện tại giá nhôm đã giảm một nửa so với thời điểm đó) gây bất ngờ và thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng nếu so với "kho báu" hàng nghìn tỷ USD của Việt Nam mang tên bô xít.

Nhôm được sản xuất chủ yếu từ nguồn quặng bô xít. Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện tại tổng trữ lượng quặng bô xít thế giới được ghi nhận là 31 tỷ tấn, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai với 5,8 tỷ tấn.

Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước (trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn). Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.

Bô xít là một loại quặng nhôm, từ bô xít có thể tách ra alumin – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Do đó, bô xít được xem là nguồn tài nguyên lớn và là cơ sở để ngành công nghiệp nhôm phát triển lâu dài.

USGS ước tính cứ 4 tấn quặng bô xít sẽ cho ra 2 tấn nhôm ô xít, từ đó sản xuất được 1 tấn nhôm kim loại. Với tỷ lệ 4/1 như vậy thì 5,8 tỷ tấn quặng bô xít của Việt Nam có thể sản xuất được hơn 1,4 tỷ tấn nhôm - gấp gần 778 lần núi nhôm bị mắc kẹt ở Vũng Tàu.

Năm 2021, do ảnh hưởng của của đại dịch, việc khan hiếm nguồn cung nhôm trên toàn cầu đẩy giá mặt hàng này lên cao kỷ lục. Một lần nữa, kho nhôm ở Việt Nam được báo chí quốc tế nhắc đến với định giá ước tính thời điểm đó lên tới 5 tỷ USD. Trên thực tế, giá nhôm thế giới đã đạt đỉnh vào đầu năm 2022, cho đến nay đã giảm gần một nửa từ đỉnh.

Tiềm năng lớn của Việt Nam

Theo một báo cáo của CTCK Vietcap, sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và xe điện tạo đà cho sự tăng trưởng của nhu cầu nhôm trong thập kỷ tới.

Tiêu thụ nhôm toàn cầu dự kiến sẽ tăng 33,3 triệu tấn trong thập kỷ tới (tương ứng CAGR 3% trong giai đoạn 2022-2030), từ 86,2 triệu tấn vào năm 2020 lên 119,5 triệu tấn vào năm 2030.

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, trữ lượng và tiềm năng về bô xít và nhôm ở Việt Nam còn rất lớn.

Tuy nhiên, theo Vietcap, chuỗi giá trị nhôm thượng nguồn trong nước còn kém phát triển. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là nhà sản xuất bôxit và alumin duy nhất tại Việt Nam và có 2 nhà máy đặt tại Tây Nguyên.

Vinacomin khai thác các mỏ bôxit của công ty và chế biến bôxit thành 1,3 triệu tấn alumin mỗi năm, tận dụng hết công suất. Tất cả số lượng này được xuất khẩu - chủ yếu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi. Ngược lại, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn nhôm vào năm 2020, theo ước tính của chúng tôi dựa trên dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế.

Ngoài ra, hiện chưa có nhà máy nào ở Việt Nam luyện alumin thành nhôm.

Nhiều ông lớn đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án bô xít

Tại Đắk Nông, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất khảo sát đầu tư các dự án của tập đoàn gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát đã nghiên cứu, khảo sát và có kế hoạch triển khai Dự án Alumin - Nhôm - Điện gió Hòa Phát gồm cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/5), dự án điện phân nhôm (công suất 500.000 tấn/năm), dự án điện gió (công suất 1.500MW) với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ USD.

CTCP Tập đoàn Việt Phương (thuộc Tập đoàn Việt Phương) đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư tại tỉnh. Trong đó, có Dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong với diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm.

Ngoài ra còn có 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW và dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang cho biết, đang nghiên cứu triển khai dự án Tổ hợp nhôm Đức Giang - Đắk Nông với tổng mức đầu tư của dự án là 57.000 tỷ đồng, khoảng 2,5 tỷ USD. Dự án Tổ hợp nhôm đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát tại vị trí mỏ bô xít ở huyện Tuy Đức và Đắk Song, vị trí xây dựng Nhà máy chế biến Alumina tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song).

 CTCP Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư dự án điện phân Nhôm quy mô 2.000ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Với chức năng khu công nghiệp liên hoàn (từ quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng), dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bauxite, sản xuất alumina, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng, bao gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm).

Khu vực khai thác mỏ có quy mô 107,66 km2, thuộc địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với tổng trữ lượng là 573,1 triệu tấn quặng thô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Núi nhôm từng được định giá 5 tỷ USD bị bỏ xó ở Vũng Tàu: Không bằng "hạt cát" so với kho báu lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam mà Thaco, Hoà Phát... rót hàng tỷ đô đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO