Chúng ta muốn bán hàng thì chúng ta hãy đi ra chợ
Trong diễn đàn Kinh tế Việt Nam - chuyên đề Nông nghiệp sáng ngày 5/6/2018, nghị phòng đã lặng phắc khi nghe phần phát biểu của một nữ doanh nhân đến từ Bắc Giang.
"Tôi là Nguyễn Thị Thành Thực, tôi là một thương lái, không phải doanh nghiệp lớn. Tôi đã làm thương mại, đặc biệt là nông sản với Trung Quốc từ những năm 1997. Và những năm 98 đến năm 2001, tôi đã từng mua cả những nông trường. Có những ngày bán 300, 400 tấn cam tại chợ Long Biên.
Chúng ta muốn bán hàng thì chúng ta hãy đi ra chợ. Một cái chợ lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng có thể nói rằng chúng ta không có gian hàng nào ở đó. Chúng ta chỉ ngồi nhà để chờ người ta đến nhà mua.
Tôi ví von rất giản dị là, nông sản Việt Nam đang ví mình giống như một cô gái quê danh giá để chờ họ đến nhà tán tỉnh và mua đi. Đấy là điều mà chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại trước khi nghĩ đến tất cả những thứ cao sang, bởi vì hiện tại 77% nông sản của chúng ta bán sang Trung Quốc".
Bà Nguyễn Thị Thành Thực sinh năm 1967 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau khi tốt nghiệp trường Nghiệp vụ Ngân hàng Bắc Ninh năm 1987, bà lên nhận công tác tại huyện Sơn Động - địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Năm 1992, bà Thực rời ngành ngân hàng để chuyển hướng sang kinh doanh. Năm 2005, bà tiếp quản Công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang lúc đó đang tiến hành cổ phần hóa trong bối cảnh hết sức khó khăn, sản xuất đình trệ, nguy cơ phá sản và xây dựng thành Công ty CP Bagico (viết tắt công ty BGC) có địa chỉ tại khu II, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Hiện nay, BGC là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó có nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Từng bán 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên, từng mua cả một nông trường cam, xuất khẩu hàng trăm tấn vải thiều/ngày…, nhưng bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Cty Bagico Bắc Giang vẫn luôn tự nhận mình là một thương lái.
Có điều, bà là một thương lái đặc biệt. Đó là tầm nhìn phổ quát về thị trường và tư duy hiện đại, am hiểu, coi trọng công nghệ.
Chẳng hạn, trong 8 phút trình bày của mình trong Diễn đàn kinh tế năm 2018, bà Thực đã đưa ra những đúc kết rất đáng suy ngẫm như: "Chợ thương mại điện tử vô cùng quan trọng"; "Trung Quốc vừa là đối tác lớn nhất tiêu thụ nông sản, cũng là đối thủ lớn nhất trong nông sản với chúng ta" hay "Người dẫn dắt thương mại chính là người quyết định sản xuất".
Trước đó, vào năm 2017, bà Thực cùng doanh nghiệp của mình từng cam kết với tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tem miễn phí cho 100 nghìn tấn nông sản.
Theo nữ doanh nhân này, khi sản phẩm gắn tem, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo tâm lý an tâm khi sử dụng. Mặt khác, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn, được phân khúc tại một số thị trường cao cấp và hệ thống bán lẻ hiện đại.
"Thương lái" tự đi làm phần mềm ở tuổi U60
Bất ngờ hơn, vị thương lái từng mua cả nông trường cam những năm 2000 còn là tác giả của phần mềm Auto Agri – một ứng dụng nông nghiệp thông minh: “Tôi bây giờ, ở tuổi 55, gọi là U60 rồi, mà phải tự đi làm phần mềm, startup công nghệ” - bà Thực chia sẻ với phóng viên Nhịp sống kinh tế vào tháng 10 năm 2022.
Bà Thực kể, sau chuyến đi khảo sát thực địa ở Isarel, bà đã tự trả lời được câu hỏi: Cái gì mới là cốt lõi để thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam? Câu trả lời là công nghệ, nhưng mà phải là công nghệ và ứng dụng phù hợp.
Theo vị nữ doanh nhân này, chỉ có người Việt, hiểu được thực trạng nông nghiệp Việt, và mô tả được để ứng dụng công nghệ phù hợp, đó mới là quan trọng. Có thông tin, có dữ liệu thì đầu tư cho các ngành hàng sẽ chính xác.
Từ năm 2016 đến năm 2019, bà Thực cho biết đã toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho ba doanh nghiệp công nghệ làm giải pháp, nhưng không thành công. Sau đó, bà phát hiện ra rằng, doanh nghiệp công nghệ có nghề, nhưng không có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Mà trong nông nghiệp, muốn ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh, vẫn phải vẫn phải trải nghiệm và có quy trình.
Cuối cùng, chính bà, ở tuổi U60, tự mình làm phần mềm, đưa những kinh nghiệm, trải nghiệm cả đời người vào Auto Agri - một nền tảng quản lý và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp. Bộ giải pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc, theo dõi giám sát sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.
Với mục tiêu "Mỗi nông dân là một thương nhân. Mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ", bà Thực rất tâm huyết trong việc đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Vào tháng 2/2022, bà Thực từng thân chinh đến Bình Phước, gặp gỡ và trao đổi với các nông dân tiêu biểu về đường hướng thành lập hợp tác xã với sứ mệnh liên kết, hỗ trợ các nông gia ứng dụng số vào sản xuất.
HTX Dịch vụ nông nghiệp số đầu tiên tại Bình Phước ra đời chính từ những gợi ý và tư vấn này. HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản.
Tiếp đó, vào ngày 28/11/2022, tại tỉnh Xay Sổm Bun (Lào), bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BAGICO (thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Sisuphăn Phosaysi, Tổng Giám đốc Quỹ Phát triển Xay Sổm Bun đã ký thỏa thuận hợp tác đến năm 2025.
Theo đó, BAGICO cam kết hỗ trợ và chuyển giao công nghệ phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp (Agrilao) và liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản cho Quỹ Phát triển Xay Sổm Bun sử dụng trong thời gian 3 năm, tổng giá trị 1 triệu USD.
Mục tiêu của thỏa thuận này nhằm chuyển giao công nghệ phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp, ứng dụng vào truy xuất nguồn gốc nông sản, cấp CO cho gia súc của tỉnh Xay Sổm Bun. Cùng đó là hợp tác liên kết chuỗi sản xuất, chuyển giao công nghệ chăn nuôi gia súc và liên kết thu mua tại tỉnh Xay Sổm Bun.