Trước khi trở thành bà chủ của thương hiệu nội thất Nodric, Nguyễn Phương Chi là một kiến trúc sư. Nhận thấy ngành thiết kế đồ nội thất trong nước rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm phát triển, chị đã hạ quyết tâm thay đổi điều này.
Xuất phát điểm là KTS, vì sao chị chuyển hướng khởi nghiệp trong ngành thiết kế, sản xuất đồ nội thất?
Đó có thể coi là hành trình mà tôi đi tìm chính mình khi từ một KTS “rẽ hướng” sang thiết kế nội thất. Trong thời gian học thạc sĩ tại Pháp, tôi đi nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc với nhiều dự án quốc tế chuyên nghiệp. Từ đó, tôi bị cuốn hút bởi đồ đạc nên bắt đầu phác thảo những thứ mình thích qua những cuốn sổ tay. Đó cũng là thời điểm trong tôi bắt đầu nhen nhóm lên một điều gì đấy rất đặc biệt mà mãi một vài năm sau mới có thể gọi thành tên là “thiết kế đồ nội thất”.
Khi quay về Việt Nam, bản thân tôi đã có sự chuyển mình. Thay vì lựa chọn kiến trúc, tôi nghe theo tiếng gọi của đam mê và làm việc tại một công ty về nội thất. Thế nhưng chỉ sau một thời gian làm việc, tôi cảm thấy có gì đó chưa đúng, chưa đủ nên quyết định dừng lại và mở một văn phòng cá nhân về thiết kế kiến trúc - nội thất. Dần dần tạo ra một số những công trình để lại dấu ấn riêng, được báo chí đưa tin và được mọi người ghi nhận.
Rồi công ty SEMA và thương hiệu NORDIC đã ra đời như thế nào?
Trong quá trình thực hiện những dự án, tôi mày mò và tìm hiểu sâu hơn về nội thất và nhận thấy trên thị trường đang có một khoảng trống ở lĩnh vực này.
Vào thời điểm đó, thị trường có nhu cầu cao với những sản phẩm nội thất chất lượng song chưa có đơn vị cung cấp nội địa nào đáp ứng được trọn vẹn điều đó. Đa số đều những sản phẩm chất lượng cao đều của các thương hiệu nước ngoài, được Trung Quốc sản xuất lại. Tôi nhận ra hệ sinh thái ngành còn rất sơ khai, chưa có một nền tảng thực sự đủ để đạt đến trình độ tự thiết kế ra những sản phẩm của riêng mình.
Về đào tạo, chỉ có ngành Thiết kế công nghiệp - Industrial Design và thiết kế đồ nội thất là một phần nhỏ trong đấy. Nhưng những người thiết kế sản phẩm không thực sự hiểu rõ về lifestyle, về cấu tạo cơ thể đúng công thái học của nội thất nên không thể nào thiết kế ra những sản phẩm thực sự dành cho nội thất.
Bên cạnh đó, ngành nội thất lúc đó đang định vị mình dưới góc độ là gia công. Hầu hết các khu công nghiệp thường nhận gia công những mẫu thiết kế của của nước ngoài thay vì tạo ra các sản phẩm ODM (tự thiết kế, tự sản xuất). Tôi nghĩ đây chính là cơ hội cho mình.
Năm 2018, tôi thành lập thương hiệu nội thất NORDIC với mong muốn hình thành một thương hiệu nội thất “Made in Việt Nam” đầu tiên trên thị trường.
Một thương hiệu mới toanh trên thị trường như vậy sẽ gặp những khó khăn gì?
Giai đoạn đầu thực sự rất khó khăn vì bối cảnh ngành lúc đó không hề có “cầu” về các công ty ODM để tạo ra “cung” đào tạo và phát triển. Bản thân tôi cũng chưa có kinh nghiệm và nhân lực để giúp sức. Từ con số 0, tôi bắt buộc phải tự trau dồi, tự tích lũy. Cứ thế, tôi hết vào Nam ra Bắc lại đi nước ngoài để tìm cảm hứng và kiến thức liên quan đến thiết kế và sản xuất đồ nội thất.
Bắt đầu thiết kế từ những cái nhỏ nhất, tôi luôn thực hiện với tâm thế biến chúng thành những thứ có giá trị cao nhất chứ không chỉ làm qua loa hoặc hời hợt. Tôi muốn định vị những sản phẩm của mình giống như một brand của nước ngoài. Đó là chỉnh chu và trau chuốt từ những cái thứ chi tiết nhỏ nhất, sử dụng những vật liệu thực sự chất lượng.
Để vượt qua quãng thời gian đó, tôi nghĩ quan trọng nhất là vẫn là cái tâm thế của mình. Mình đặt ra được một mục tiêu thực sự đủ lớn thì mới dẫn mình đến được một cái kết quả đủ lớn. Ngược lại, nếu như mình chỉ đặt một mục tiêu bình thường thì việc đạt được sẽ dễ dàng. Điều đó đồng nghĩa với việc nó không tạo ra nhiều giá trị.
Sau khi hình thành, NORDIC hướng tới tệp khách như thế nào?
70 % khách hàng của chúng tôi là “end user”. Họ là những cá nhân yêu thích những thiết kế riêng biệt và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm chất lượng cao. 30 % còn lại là đối tác như các công ty thiết kế, các kiến trúc sư yêu thích phong cách mà chúng tôi hướng tới.
Tiếp cận khách hàng end user khi vẫn còn là một thương hiệu khá mới trên thị trường có gì thuận lợi và khó khăn?
Ở thời điểm ban đầu, cả 3 yếu tố là kiến thức, tiền bạc và mối quan hệ để xây dựng một thương hiệu trên thị trường với tôi gần như bằng không. Do đó, những bộ sưu tập đầu tiên chúng tôi phải rất chật vật mới có thể tiếp cận được với tệp khách hàng này.
Chúng tôi phải có một chiến lược xây dựng thương hiệu và kiên trì với chiến lược đấy một cách chặt chẽ. NORDIC định vị mình dưới góc độ là làm người làm nghề, là chuyên gia chứ không đi theo hướng làm thương mại.
Theo đó, sản phẩm của chúng tôi luôn có một chất riêng để khách hàng dễ nhận diện. Các thiết kế được đầu tư hướng tới những giải thưởng thực sự có uy tín trong và ngoài nước, nhằm khẳng định tên tuổi cũng như tạo được lòng tin với người tiêu dùng.
Chiến lược này là một quá trình lâu dài và cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Chúng tôi luôn đề cao giá trị cốt lõi là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng chính là cách marketing tốt nhất cho thương hiệu của mình. Nếu sản phẩm của bạn không tốt, bạn phải “dốc tiền” để marketing cho nó. Trong khi đó, sản phẩm tốt và chất lượng cộng hưởng thêm việc được truyền thông mạnh mẽ sẽ tạo ra được điểm chạm tới khách hàng mà không cần mất quá nhiều chi phí.
“Thai nghén” từ năm 2019, đến tháng 4/2020, chúng tôi cho ra mắt BST đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, sản phẩm vừa thiết kế đã có các bên đạo nhái khiến tôi rất bất ngờ.
Có thể là thị trường nội thất lúc đó đang quá “đói”, quá “khát” nên khi những sản phẩm mới, những thiết kế mới ra đời liền bị “copy” ngay. Đôi khi họ còn không biết được đấy là sản phẩm trong nước hay có xuất xứ từ đâu.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực thì việc các bên nhái những mẫu nội thất của mình cũng khiến cho khiến thương hiệu của chúng tôi được phổ biến rộng rãi hơn. Tôi xem đó là một cái sự may mắn để mình tiếp tục cố gắng hơn nữa cho những BST sau.
Từ năm 2020 đến nay, thương hiệu NORDIC đều cho ra mắt BST năm với hơn hơn 10 thiết kế nội thất đều đăng ký sở hữu trí tuệ và định kỳ hằng năm đều có concept riêng. Sau 4 BST, thương hiệu đã chứng minh được khả năng thực sự và bắt đầu được định vị của một cách chắc chắn hơn trên thị trường và ngành nội thất.
Giá các sản phẩm sofa của NORDIC dao động trong khoảng 50 - 100 triệu đồng, thậm chí là hơn. Chị dựa vào những yếu tố nào để đưa ra mức giá cho những sản phẩm?
Có 2 yếu tố chính cấu thành nên chi phí sản phẩm, đó là chi phí nghiên cứu sản phẩm và nguyên vật liệu.
Các thương hiệu nước ngoài thường chi khoảng 1 triệu USD để nghiên cứu ra một thiết kế. Con số đó với những công ty lớn không là gì, tuy nhiên lại là vấn đề đối với NORDIC. Do đó, chúng tôi đã tận dụng tối đa nguồn lực tự thân của công ty và phải cố gắng vượt trội hơn để dù sử dụng chi phí thấp hơn nhưng vẫn có thể tạo ra một sản phẩm tốt nhất. Điều này cần một quá trình nghiên cứu rất kỹ và kéo dài trong hơn 1 năm thì mới tạo ra được một sản phẩm như vậy. Mọi công đoạn đều được thực hiện rất kỳ công. Kể cả chi tiết rất nhỏ như chiếc khuy đồng trong sản phẩm thôi cũng phải được mạ vàng và in dập logo của công ty.
Hiện nay, một năm chúng tôi sẽ phải chi tới hơn 1-2 tỷ đồng cho riêng phần phát triển sản phẩm. Sự đầu tư một cách chỉnh chu này góp phần tạo ra được những sản phẩm rất khác biệt so với sản phẩm copy thông thường. Cùng một sản phẩm với chất lượng như nhau, NORDIC vẫn cho bạn những trải nghiệm tối ưu nhất với mức giá rẻ hơn các thương hiệu nước ngoài từ 5-10 lần.
Yếu tố thứ hai là nguyên vật liệu. Định hướng của chúng tôi là luôn muốn tạo ra sản phẩm của người Việt 100 % từ thiết kế đến sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nguyên vật liệu hiện tại chưa thể làm tốt điều đó và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Được định vị là thương hiệu nội thất chất lượng cao nên chúng tôi luôn lựa chọn những nguyên vật liệu tốt nhất trên thế giới nên giá rất cao.
Khoảng cách về giá nguyên vật liệu rất xa đồng nghĩa với giá trị và trải nghiệm của sản phẩm tạo ra cũng rất khác biệt. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra một số rank vải khác nhau để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn về phần giá . Tuy nhiên vẫn đảm bảo về chất lượng sản phẩm để tương xứng với công sức của team thiết kế và giá trị thực sự khách hàng nhận được.
Điều gì giúp chị có đủ tự tin để đầu tư lớn cho từng sản phẩm về mặt thời gian, công sức lẫn tiền bạc như thế?
Thực ra ở giai đoạn đầu, tôi cũng không tự tin lắm. Nhưng mà với tính cách khi đã thích làm cái gì thì phải quyết tâm làm cái đó bằng được nên tôi cứ kiên trì thực hiện. Ngay từ đầu, 3 yếu tố là tiền bạc, mối quan hệ và kiến thức chuyên môn tôi đều không có nên phải tận dụng nội lực của bản thân để bù đắp và phát triển thêm.
Giá cao có phải là yếu tố gây “khó khăn” khi kinh doanh các sản phẩm nội thất?
Kinh doanh những sản phẩm có giá thành cao nói khó thì cũng khó nhưng vẫn có nhiều khách hàng sẵn sàng chi để mua những mẫu sofa nhập từ Ý giá có thể lên đến 700 - 800 triệu. Do đó không thể nói vì sản phẩm có giá 50 - 60 triệu là khó bán được. Cái khó ở đây không phải là giá cao hay giá thấp mà cách mình làm sao để cho khách hàng thấy và hiểu được mức giá bên mình đưa ra thực sự phù hợp với những gì họ nhận được, từ chất lượng sản phẩm cho tới dịch vụ tới khách hàng.
Ngoài việc tư vấn và bán sản phẩm cho khách hàng, chúng tôi còn có dịch vụ hậu mãi tốt, đồng hành cùng họ thêm 1-2 năm. Qua thời gian đó, công ty sẽ có nhân viên đến vệ sinh hoặc vận chuyển miễn phí toàn quốc. Sản phẩm và dịch vụ của mình tốt sẽ tạo được lòng tin và giữ chân được khách hàng. Có những thời điểm, tỉ lệ khách hàng quay lại với NORDIC tới hơn 40 % mà không cần phải marketing.
Đây là minh chứng rõ nhất cho những cố gắng, nỗ lực của chúng tôi. Điều chúng tôi mong muốn là sau mỗi đơn hàng, chúng tôi sẽ trở thành bạn của khách hàng, từng bước giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi chăm sóc họ bằng sự tận tâm, bằng trái tim chứ không xuất phát từ một “công thức” kinh doanh.
Đội ngũ của NORDIC đã thay đổi như thế nào kể từ năm 2018?
Khi bắt đầu, chúng tôi phải chuyển giao giữa làm thiết kế không gian với làm đồ nội thất rời. Nhân sự và việc phân công công việc trong công ty về mảng thiết kế đồ rời vẫn còn ít. Ở thời điểm đó doanh nghiệp còn nhỏ nên tôi không có quá nhiều lựa chọn về nhân sự và chất lượng nhân sự cũng không thực sự tốt.
Hiện nay, cơ cấu nhân sự của chúng tôi đã dần hoàn thiện với khoảng 20 người. Đầy đủ các bộ phận từ R&D, kỹ thuật, kinh doanh, marketing, đội ngũ QC kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bộ phận R&D cũng đã ổn định hơn và đã có những cái nhân sự kế cận tốt để liên tục phát triển trong thời gian tới.
Ngoài việc thiết kế và kinh doanh, chị còn là giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Nội thất của 2 trường Đại học. Công việc đó hỗ trợ như thế nào cho vai trò doanh nhân của chị?
Bản thân tôi rất yêu thích công việc giảng dạy, chia sẻ kiến thức và đến với nó như một cái duyên. Khi từ Pháp trở về, tôi cũng nghĩ mình sẽ là một giảng viên nhưng sau khi tìm hiểu, tôi thấy việc thi tuyển để làm giáo viên không hề dễ dàng nên đã tạm gác lại mong muốn đó và bắt tay với công việc thiết kế và kinh doanh.
Từ con số 0 đến khi phát triển đến một cái ngưỡng mà giá trị và nhân hiệu của mình đủ lớn, kiến thức của mình đủ nhiều thì tự nhiên công việc đấy lại tìm đến với tôi. Tuy nhiên, vì việc kinh doanh bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian cho việc giảng dạy, mỗi kỳ tôi dạy khoảng 2 tháng.
Ngoài việc được làm công việc mình yêu thích, giảng dạy cũng là quá trình để tôi xây dựng thương hiệu cá nhân và hỗ trợ trở lại cho công việc kinh doanh. Một doanh nghiệp được xây dựng và điều hành bởi một cá nhân là chuyên gia chắc chắn sẽ uy tín hơn và tạo được niềm tin đối với khách hàng.
Thương hiệu đến nay đã đi được chặng đường 5 năm. Chị có ấp ủ kế hoạch đặc biệt gì trong tương lai hay không?
Tôi đang xây dựng một chiến lược 5 - 10 năm tiếp theo cho NORDIC, thế nhưng về tầm nhìn thì nó vượt xa hơn thế rất nhiều.
Trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu trong ngành nội thất đại diện cho Việt Nam, giống như một thương hiệu quốc gia. Tôi mong muốn khi người nước ngoài nói đến đồ nội thất “Made in Việt Nam”, họ sẽ nhớ đến SEMA và ở đó có NORDIC. Chúng tôi hy vọng sẽ là một thế hệ trẻ đại diện cho Việt Nam trong tương lai và xem đó sứ mệnh lớn nhất của bản thân chứ nó không chỉ đơn thuần chỉ là làm cho công ty lớn mạnh hơn. Sứ mệnh này cũng sẽ góp phần làm cho bối cảnh ngành phát triển hơn.
Cảm ơn chị!