Lý Lương sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo nguyện vọng của bố mẹ, cô thi công chức năm 22 tuổi và may mắn đỗ ngay lần đầu. Vì làm việc chăm chỉ, cô đã được luân chuyển công tác từ cấp thị trấn lên cấp quận. Trong suốt 20 năm sau đó, cô công tác tại đây và luôn nhận được lòng tin từ lãnh đạo đến đồng nghiệp. Cũng chính lớp với vỏ bọc này, người phụ nữ đã che dấu được tội danh của mình trong thời gian dài.
Trở lại năm 2016, cô Lý tiếp xúc với một ứng dụng toàn các trò đỏ đen online thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Ở thời điểm đó, cô đăng ký tài khoản để tham gia với tâm lý “vui vẻ thôi”. Cô liên tục tự cảnh báo bản thân về việc không được “lún chân” sâu vào đây. Tuy nhiên, khi bắt đầu được nếm “vị ngọt” của chiến thắng, người phụ nữ này tiếp tục tham gia với số tiền từ 5 NDT, 10 NDT rồi lên đến 100 NDT… Theo thời gian, cô Lý dần hứng thú với những trò đỏ đen sau những lần thắng lớn.
“Bỏ ra số tiền nhỏ nhưng thu về cả khoản tiền lớn, tôi luôn tự tin rằng mình có thể làm giàu bằng phương thức đơn giản này. Nhưng thực tế những trò đỏ đen này như một cái bẫy. Càng tham gia, tôi càng thua. Với tâm lý gỡ gạc, tôi thậm chí còn lấy tiền trong sổ tiết kiệm của gia đình để tham gia. Chính điều này khiến cuộc sống rơi vào cảnh chật vật. Khi không có tiền, tôi đã đã nghĩ đến việc làm những điều sai trái”, cô Lý chia sẻ.
Người phụ nữ này cho biết bắt đầu thực hiện việc biển thủ công quỹ tại đơn vị làm việc kể từ ngày 28/10/2016. Ban đầu, cô thực hiện hành vi vi phạm này với tâm lý sợ hãi và đầy lo lắng. Theo thời gian, người phụ nữ xem tiền của đơn vị như tài khoản ngân hàng của mình, tự do rút khi cần. Từng khoản tiền của đơn vị được cô chuyển vào tài khoản cá nhân thông qua việc lập các ủy nhiệm chi khống trên hệ thống phần mềm kế toán tập trung, thay đổi thông tin người thụ hưởng trên bảng kê chuyển tiền gửi ngân hàng.
Sau đó, cô Lý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng là người quen của mình. Khi những người này nhận được tiền, người phụ nữ yêu cầu chuyển lại tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền này được cô bỏ vào những trò đỏ đen và ăn tiêu.
Muốn trốn tránh trách nhiệm trước khi sự việc bị vỡ lở, tháng 8/2017, cô Lý xin nghỉ hưu sớm. Song do không thể tìm được người thay thế, ban lãnh đạo công ty vẫn giữ nhân sự này ở lại.
Tiếp tục nắm giữ những vấn đề tài chính của đơn vị, Lý Lương lại đi vào vết xe đổ. Để trả nợ và có tiền tiêu xài, cô tiếp tục biển thủ số tiền lớn của tổ chức.
Vào tháng 1/2019, cô Lý cảm nhận có chuyện không lành nên quyết định xin nghỉ việc. Cô viết giấy và nhanh chóng muốn chấm dứt công việc vào ngày hôm sau. Không hiểu chuyện gì xảy ra, người đứng đầu đơn vị đã gặp nhân viên này để hỏi thăm tình hình. Cô Lý quanh co và nói rằng sức khỏe không cho phép nên muốn ở nhà nghỉ ngơi. Cảm thấy không thể níu kéo được, người quản lý nhân sự đồng ý cho cô Lý nghỉ việc ngay ngày hôm sau.
Người phụ nữ này tưởng rằng nghỉ việc sẽ trốn thoát được trách nhiệm với những việc làm sai trái mình đã gây ra. Song sau khi rà soát toàn bộ sổ sách để bàn giao cho nhân sự mới, hàng loạt những giao dịch bất thường dần lộ ra. Người ta tìm thấy Lý Lương đã chiếm đoạt số tiền lên đến 1,23 triệu NDT (khoảng 4,3 tỷ đồng). Số tiền này được chuyển vào 43 tài khoản ngân hàng khác nhau, tuyệt nhiên không có một tài khoản nào mang tên người phụ nữ này.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, người phụ nữ đã bị cảnh sát bắt giữ ngay tại nơi ở của mình. Tại trụ sở cảnh sát, Lý Lương khai nhận toàn bộ việc làm sai trái của mình. Cô cho biết mỗi lần lấy tiền của đơn vị luôn tự trấn an bản thân rằng một ít này sẽ không sao. Cho đến khi nghe được kết quả thống kê, cô cũng không ngờ rằng mình đã ‘biển thủ’ số tiền lớn như vậy.
Vào tháng 6/2022, Tòa án đã tổ chức xét xử công khai vụ việc này. Lý Lương đã bị kết án 4 năm 10 tháng tù và chịu phạt số tiền 246.000 NDT (862 triệu đồng) về những sai phạm do mình gây ra.
Theo Toutiao