Theo báo cáo tài chính quý 4/2024 của CTCP Âu Lạc, năm 2024, công ty chi hơn 16 tỷ trả cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc.
Thu nhập cao nhất vẫn là ông Mai Văn Tùng - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT. Cụ thể, năm 2024, tổng thu nhập của ông lên đến gần 5,3 tỷ đồng/năm, với 3,4 tỷ cho vị trí Tổng Giám đốc và 1,9 tỷ cho vị trí thành viên HĐQT. Tương đương thu nhập trung bình mỗi tháng của ông Tùng hơn 441 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của Chủ tịch Ngô Thu Thúy so với năm trước đã tăng gần 73% từ 1,77 tỷ đồng lên hơn 3 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng 254,5 triệu đồng.
Trong HĐQT, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hinh cũng nhận mức thu nhập 2,2 tỷ trong năm vừa rồi. Hai Phó Tổng giám đốc Lê Hồng Sơn và Hồ Văn Thiện lần lượt nhận thu nhập 1,83 tỷ và 1,79 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý 4/2024, doanh thu Âu Lạc đạt hơn 386 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm, lợi nhuận gộp đạt gần 155 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính giảm 21% đạt 9,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm hơn nửa so với cùng kỳ còn 14,4 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 2% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 19%.
Kết quả, Âu Lạc ghi nhận lãi sau thuế hơn 104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, Âu Lạc ghi nhận doanh thu gần 1.556 tỷ đồng, tăng gần 28% và lãi sau thuế gần 261 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023. Đây là doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử của doanh nghiệp.
CTCP Âu Lạc là một đơn vị tư nhân lớn trong lĩnh vực vận tải biển, với đội tàu chủ yếu là tàu chở xăng dầu. Công ty do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT. Trên thị trường tài chính Việt Nam, bà Ngô Thu Thuý là một cái tên nổi tiếng, đặc biệt là trong cuộc đua quyền lực tại Ngân hàng Eximbank (EIB) trước đây.
Trước đó, Âu Lạc là cổ đông lâu năm của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB). Sau đó, công ty này đã bán hết cổ phiếu EIB chuyển sang mua ACB.
Kể từ đầu năm 2023, Âu Lạc cũng đã dần bán ra cổ phiếu ACB và chính thức đã bán hết toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ mà ACB công bố ngày 10/09/2024 cho thấy sự quay lại của bà Ngô Thu Thuý thông qua 1 doanh nghiệp và 2 cá nhân có liên quan.
Theo đó, CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương do bà Thuý là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật sở hữu gần 58,6 triệu cổ phần ACB (tương đương 1,311% vốn điều lệ).
2 người con của bà Thuý là Nguyễn Thiên Hương JENNY và Nguyễn Đức Hiếu JONNY lần lượt nắm hơn 60 triệu cổ phiếu và 47,7 triệu cổ phiếu.
Tổng số cổ phiếu của nhóm này là 166,3 triệu đơn vị, tương đương 3,724% vốn điều lệ của ACB. Tạm tính theo mức giá đóng cửa 24.950 đồng của ACB tại ngày 17/1/2024, giá trị số cổ phiếu nói trên là hơn 4.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính toán từ số cổ phần của người liên quan, rất có thể có một cổ đông chưa lộ diện, nắm hơn 7,5 triệu cổ phiếu ACB, là người liên quan của JENNY và JONNY nhưng không thuộc diện liên quan đến Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương.
Nếu tính cả cổ đông này, nhóm có liên quan đến gia đình bà Thuý nắm 173,8 triệu cổ phần ACB (3,892%), tương đương hơn 4.300 tỷ.