Ngành công nghiệp tiền số tại Mỹ vừa trải qua một tuần đầy kịch tính, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử với việc Hạ viện thông qua hàng loạt dự luật quan trọng. Trong khi những người ủng hộ hân hoan trước một khung pháp lý rõ ràng hơn, các nhà phê bình lại cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.
Câu hỏi đặt ra là, liệu đây có phải là khởi đầu của một kỷ nguyên vàng cho tiền số, hay chỉ là màn dạo đầu cho những cuộc tranh luận gay gắt hơn?
Hai dự luật, hai tầm nhìn
Tâm điểm của sự chú ý là hai dự luật then chốt: Đạo luật Genius (Greater Effective National Initiatives for Understanding Stablecoins) và Đạo luật Clarity (Clarity for Digital Assets).
Đạo luật Genius, được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng, đặt ra những quy tắc liên bang đầu tiên cho tiền số "Stablecoin" (loại tiền số được định giá bởi những tài sản ổn định như tiền fiat, vàng bạc hay loại tiền tử khác). Đây là một động thái được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định và minh bạch cho loại tiền số được neo theo tài sản truyền thống như đồng USD.

Các quy định mới yêu cầu stablecoin phải được bảo chứng đầy đủ bằng tài sản thanh khoản, báo cáo dự trữ định kỳ và chỉ được phát hành bởi các tổ chức tài chính được cấp phép. Ngoài ra các cơ quan liên bang và tiểu bang cũng có quyền giám sát tiền stablecoin, đồng thời những tổ chức nước ngoài phát hành stablecoin cho người Mỹ cũng phải tuân thủ quy định này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ ký ban hành dự luật này, biến nó thành luật tiền số lớn đầu tiên tại Mỹ. Được Thượng viện thông qua vào tháng 6 và Hạ viện phê chuẩn ngày 17/7, Genius Act là đạo luật liên bang đầu tiên tại Mỹ điều chỉnh stablecoin.
Genius Act được nhiều chuyên gia coi là bước đi "khôn ngoan" để tránh kịch bản stablecoin phát triển tự do ngoài vòng kiểm soát – từng là nguyên nhân của cú sập Terra/Luna năm 2022. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng vẫn lo ngại rằng việc không có bảo hiểm tiền gửi (FDIC) sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục chịu rủi ro tiềm tàng.
Tuy nhiên, Đạo luật Clarity mới là dự luật gây nhiều tranh cãi và có tiềm năng thay đổi cục diện thị trường tiền số mạnh mẽ nhất. Dự luật này tìm cách phân định rõ ràng thẩm quyền giữa Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Về cơ bản, nó muốn chuyển phần lớn quyền giám sát các tài sản kỹ thuật số sang CFTC – một cơ quan được coi là thân thiện hơn với ngành tiền số. Nếu được thông qua, điều này có thể bảo vệ ngành tiền số khỏi những hành động thực thi pháp luật mạnh mẽ mà SEC đã áp dụng dưới thời chính quyền Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, mang lại một môi trường pháp lý dễ thở hơn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, CFTC sẽ quản lý phần lớn các loại crypto như Bitcoin, Ethereum – được coi là "digital commodities", trong khi đó SEC chỉ giữ vai trò với những loại token mang tính đầu tư. Thêm nữa, đạo luật cũng yêu cầu sàn giao dịch crypto phải tuân thủ chuẩn mực mới: chống rửa tiền, bảo mật tài sản, minh bạch giá, giám sát lệnh giao dịch…
Ngành tiền số – vốn nhiều lần bị SEC kiện dưới thời Biden – xem đây là chiến thắng chiến lược. Coinbase, Kraken và hàng loạt sàn giao dịch lớn từng bị cáo buộc vi phạm luật chứng khoán, giờ có thể "thở phào" khi luật mới vô hiệu hóa nhiều hành động pháp lý trong quá khứ.

Việc thông qua các dự luật này không chỉ là một chiến thắng pháp lý mà còn là minh chứng cho sức ảnh hưởng ngày càng lớn của ngành công nghiệp tiền số tại Washington. Các công ty tiền số đã đổ hàng trăm triệu USD vào các hoạt động vận động hành lang và hỗ trợ các ứng cử viên thân thiện với tiền số trong cuộc bầu cử năm 2024.
Với sự ủng hộ công khai của cựu Tổng thống Donald Trump, ngành tiền số được cho là sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ Nhà Trắng.
Thách thức
Tuy nhiên, không phải ai cũng hân hoan. Hầu hết các đảng viên Dân chủ đã lên tiếng phản đối kịch liệt, cáo buộc rằng các dự luật này được thiết kế để mang lại lợi ích cho những người giàu có và các công ty tiền số.
"Nếu Đạo luật Clarity được thông qua, chúng tôi chắc chắn sẽ không thể khởi kiện bất kỳ vụ án nào về hành vi sai trái trong quá khứ. Nó sẽ hợp pháp hóa tất cả các hành vi của ngành công nghiệp tiền điện tử một cách hồi tố", bà Amanda Fischer – cựu quan chức SEC – cho biết.
Hạ nghị sĩ Maxine Waters, một trong những tiếng nói đối lập mạnh mẽ nhất, cảnh báo rằng Đạo luật Clarity có thể "tước bỏ quyền thực thi của SEC", gây tổn hại cho người tiêu dùng và "gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo".
Bà thậm chí còn so sánh nó với việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall, cho rằng nó có thể mở cửa thị trường Mỹ cho các công ty tiền số nước ngoài mà không có đủ sự giám sát.
Dù đã vượt qua Hạ viện, con đường của Đạo luật Clarity và một dự luật thứ ba nhằm cấm Cục Dự trữ Liên bang phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vẫn còn gập ghềnh.
Các Thượng nghị sĩ đã báo hiệu rằng họ có thể muốn soạn thảo phiên bản riêng của dự luật cấu trúc thị trường tiền số, và cuộc tranh luận ở Thượng viện hứa hẹn sẽ phức tạp và kéo dài.
Đặc biệt, việc giành đủ sự ủng hộ từ đảng Dân chủ cho các dự luật thân thiện với ngành như Clarity sẽ là một thách thức lớn, nhất là khi các nhóm bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp tiền số vẫn đang nỗ lực vận động để duy trì đà tiến. Với chiến thắng lịch sử ở Hạ viện, họ đã chứng minh được sức mạnh của mình trong việc định hình chính sách.
Tuy nhiên, để thực sự có một khung pháp lý toàn diện và ổn định, tiền số vẫn cần vượt qua nhiều rào cản và thuyết phục những tiếng nói hoài nghi về lợi ích của nó đối với toàn bộ nền kinh tế và người tiêu dùng.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo", "tiền số" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
*Nguồn: NYT, Fortune, BI