Thị trường trong nước lặng sóng
Trong tuần qua, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm biến động trái chiều song xu hướng chung là đi lên. So với đầu tuần, giá thu mua tại các địa phương trọng điểm tăng 1.000 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 41.800 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 41.200 đồng/kg.
Tương tự, sau biến động, 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch với chung mức 41.700 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay (21/3) không có biến động mới so với cuối tuần trước.
Hiện tại, mức giá thấp nhất là 41.200 đồng/kg có mặt tại tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là hai tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum với chung mức 41.700 đồng/kg
Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng ổn định tại mức 41.800 đồng/kg trong hôm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.306 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 1/2022 và tăng 31,1% so với tháng 2/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.219 USD/tấn, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 47.173 tấn, tương đương 104,39 triệu USD, giá trung bình 2.212,9 USD/tấn, tăng 16,6% về lượng, tăng 49,4% về kim ngạch và tăng 28% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021.
Hiện tại, người trồng cà phê khu vực Tây Nguyên đang tất bật tưới cà phê để cung cấp đủ nước cho cây nở bông trong niên vụ mới, trong bối cảnh giá dầu, phân bón tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con trong niên vụ tới.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam nhận định, sản lượng cà phê 2022 sẽ thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp, vỏ quả đẹp nhưng không có nhân bên trong hoặc nhân rất bé, người dân không có vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây.
Sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 1,62 triệu tấn, giải quyết 1 triệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do thiếu nhân công thu hái nên tỷ lệ hái quả xanh rất cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê. Thêm vào đó là thời tiết mưa nhiều, cà phê không phơi sấy được.
"Đòn bẩy" cho cà phê Việt vào thị trường Anh
Anh đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 5 châu Âu (sau Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha). Người dân Anh hiện uống tổng cộng khoảng 95 triệu tách cà phê mỗi ngày. Tổng trị giá cà phê tiêu thụ tại Anh hàng năm khoảng 3,9 tỷ bảng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, năm 2021, Vương quốc Anh nhập khẩu cà phê đạt 203,38 nghìn tấn, trị giá 945,56 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 6,2% về trị giá so với năm 2020.
Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê vào Anh đạt mức 4.649 USD/tấn, tăng 7,5% so với năm 2020.
Đáng lưu ý, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam trong năm 2021 giảm 35,5% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với năm 2020, đạt 34,65 nghìn tấn, trị giá 66,16 triệu USD.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 23,03% năm 2020, xuống còn 17,04% năm 2021.
Trong hai năm 2020 và 2021, nhập khẩu cà phê của Anh có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chủ yếu ảnh hưởng đến phân khúc cà phê ngoài gia đình và ở Anh vẫn phổ biến văn hóa uống trà tại nhà.
Hơn nữa, thị hiếu tiêu dùng cà phê ở Anh có sự khác biệt rõ ràng so với các nước châu Âu khác. Cà phê hòa tan là chủng loại cà phê được người tiêu dùng Anh ưa chuộng nhất. Các thương hiệu cà phê hòa tan hàng đầu tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn so với các nhãn hiệu càphê mới xay.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam là mặt hàng được đánh giá có tiềm năng lớn tại thị trường Anh. Điển hình, trong năm qua - kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh tăng trưởng rất nhanh.
Mức tăng trưởng thương mại nông sản nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng được kỳ vọng cho năm 2022 dự báo khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, UK sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Để xuất khẩu cà phê sang Anh thuận lợi, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần biết, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam. Cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh.
Bao bì sản phẩm cần hấp dẫn, rõ ràng vì người tiêu dùng Anh rất quan tâm tới thông tin trên bao bì sản phẩm để xác định xem sản phẩm có thành phần gây dị ứng, cách pha chế, các tiêu chí phát triển bền vững...