Nông dân lo lắng khi nông sản giảm giá sâu

Lê Minh Tuấn | 15:02 23/12/2021

“Mấy vụ trước máy tuốt lúa chỉ lấy công 2,5 triệu đồng/ha nhưng nay lên 2,8 triệu đồng/ha, còn giá phân bón thì khỏi nói, lên cái vèo luôn…” anh nông dân Lê Huy Mạnh, xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai chia sẻ.

Nông dân lo lắng khi nông sản giảm giá sâu
Mặc dù năng suất cao nhưng nông dân trồng tiêu vẫn trăn trở khi giá thu mua vẫn ở mức rất thấp.

Năm 2021, toàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xuống giống hơn 900 ha lúa tập trung chủ yếu ở các xã Long Phước, Long An, Bình An và Tam An.

Theo nông dân các xã cho biết, nhờ làm tốt các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa toàn huyện năm nay đạt từ 5-6 tấn/ha cao hơn kế hoạch đề ra.

Giá vật tư đầu vào tăng cao

Mặc dù đạt năng suất nhưng bà con nông dân vẫn kém vui vì giá lúa tươi bán tại ruộng trong những tháng qua luôn nằm mức thấp.

Ông Lê Huy Mạnh, xã Long Phước, huyện Long Thành chia sẻ: Vì dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng hóa, nhập nguyên liệu gặp khó khăn, nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng giá.

Cũng theo lời ông Mạnh, vụ Mùa năm trước thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ mua 5.500 đồng/kg, xem như một ha mất khoảng 5 triệu đồng.

Nhiều người nông dân tại huyện Long Thành cho biết, lúa tươi bán tại ruộng những tháng qua luôn nằm mức thấp là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các nơi, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Bước sang vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn huyện Long Thành dự kiến xuống giống hơn 1.600 ha lúa.

Với tình hình giá lúa tươi bán tại ruộng hiện đang nằm ở mức thấp, trong khi các khoản chi phí sản xuất tăng cao sẽ tiếp tục là những thách thức đối với người nông dân.

Vụ Đông Xuân đạt năng suất cao hơn vụ Mùa nhưng với sự chênh lệch giữa giá thu mua và chi phí sản xuất đang ngày càng lớn, nông dân trồng lúa sẽ khó có được lợi nhuận.

Còn với cây tiêu, những năm trước đây, nhiều diện tích tiêu tại tỉnh Đồng Nai thường không đạt năng suất cao do bị nhiều loại sâu bệnh tấn công và ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, đặc biệt là trong gia đoạn tiêu bắt đầu tạo chuỗi và đậu trái.

Rút kinh nghiệm, trong vụ năm nay nông dân đã chủ động áp dụng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo vườn khô ráo, đồng thời chủ động xịt thuốc phòng trừ các loại bệnh. Nhờ đó mà cây tiêu phát triển xanh tốt, hạt đều và đẹp, cho năng suất từ 3,5 - 4 tấn/1ha.

Mặc dù năng suất cao nhưng nông dân trồng tiêu vẫn trăn trở khi giá thu mua vẫn ở mức rất thấp, với mức 83.000đ/1kg.

Theo nhiều nông dân cho biết với giá này thì hoàn toàn không có lời khi chi phí chăm sóc và giá nhân công năm nay cao hơn hẳn mọi năm.

Việc giá thu mua tiêu đang tiếp tục giảm khiến nhiều nông dân trên địa bàn huyện Long Thành băn khoăn giữa việc tiếp tục bám víu lấy cây tiêu hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Ông Lại Đình Quyền (huyện Long Thành) cho hay, việc trồng tiêu ngày càng khó khăn do giá thuê nhân công, thuốc, phân bón… đều tăng chóng mặt, lời lãi cũng hạn chế so với trước.

“Chúng tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ làm sao đó để có một giá ổn định cho nông dân chúng tôi duy trì lâu dài cây này mà không phải thay đổi loại cây trồng mới”, ông Lại Đình Quyền bày tỏ.

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Hiện tỉnh Đồng Nai có nhiều loại trái cây có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu như: chuối, xoài, sầu riêng, thanh long, mít… Dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến nhiều loại trái cây xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ.

Do đó, việc xây dựng các chính sách để hỗ trợ cho nông dân là hết sức cần thiết khi giá nông sản gặp khủng hoảng.

Thời gian qua nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Ðồng Nai đã được hình thành, giúp nông dân từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.

Trước đây, do hiệu quả kinh tế thấp, ông Nguyễn Quý Tuân (huyện Ðịnh Quán) đã tính đến chuyện chặt bỏ 2 ha cây ca cao của gia đình để chuyển sang trồng loại cây khác.

Tuy nhiên, sau đó ông đã từ bỏ ý định này khi nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp và được Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường.

Từ việc tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và nhận được hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, ông Tuân cùng nhiều hộ nông dân khác ở địa phương đã tập trung chăm sóc vườn ca cao.

Ðến nay, vườn ca cao trồng xen dưới tán điều cho năng suất 10 tấn/ha, với giá bán hơn 6.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.

Theo ông Ðặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Ðức, hiện nay doanh nghiệp đã mở rộng hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ ca cao với hàng nghìn hộ dân ở các huyện Thống Nhất, Ðịnh Quán, Tân Phú, Trảng Bom và nông dân các tỉnh Bình Thuận, Lâm Ðồng.

Ðến nay, sản phẩm làm từ ca cao đã xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Doanh nghiệp xác định, những năm tới sẽ đầu tư thêm các loại máy, chế biến thêm nhiều sản phẩm từ ca cao để xuất khẩu, hạn chế việc xuất khẩu ca cao thô để tăng giá trị sản phẩm.

Theo ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30% đến 100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường, đời sống được nâng lên.

Ðể thực hiện thành công các mô hình liên kết này, ông Cao Tiến Sỹ cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần có sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và phía doanh nghiệp phải có trách nhiệm gắn bó lâu dài, chia sẻ lợi nhuận với nông dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nông dân lo lắng khi nông sản giảm giá sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO