Nỗi lo sợ lớn nhất của Chủ tịch Fed có nguy cơ trở thành sự thật, con đường ngừng tăng lãi suất còn lắm chông gai

Thu Hương | 11:53 24/02/2023

Mỹ đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy tiền lương - giá cả, điều mà Fed muốn né tránh bằng mọi giá.

Nỗi lo sợ lớn nhất của Chủ tịch Fed có nguy cơ trở thành sự thật, con đường ngừng tăng lãi suất còn lắm chông gai

Ở Nashville, bếp trưởng Matt Farley đang gây rắc rối cho Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell.

Acme Feed and Seed, nhà hàng mà Farley quản lý, mới đây đã tăng giá mọi thứ, từ gà rán cho đến món sườn nướng. Có 2 lý do lớn khiến giá tăng. Nguyên liệu đầu vào tăng giá khá mạnh (ví dụ như thịt lợn đã tăng giá hơn gấp đôi). Lý do còn lại sẽ khiến Fed đau đầu hơn: chi phí nhân công.

Trước dịch, Farley chỉ trả cho nhân viên rửa bát mức thù lao 12 USD/giờ. Nhưng giờ thì ông phải trả 17 USD mới có thể thuê được người ở thành phố mà tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,3% trong tháng 12 năm ngoái. Lương của phụ bếp tăng từ mức 14 USD/giờ trong năm 2019 lên hơn 20 USD.

Farley cho biết giá thực phẩm có thể hạ nhiệt đôi chút nhưng chi phí nhân công thì khó có thể giảm xuống ít nhất là trong ngắn hạn.

Đó sẽ là rắc rối lớn đối với ông Powell và các đồng nghiệp khi họ đang cố gắng tìm ra mức lãi suất hợp lý để có thể kiềm chế lạm phát. Bức tranh mà Farley miêu tả giống với tình cảnh không mấy dễ chịu mà các nhà kinh tế học gọi là “vòng xoáy tiền lương – giá cả”. Đó cũng chính là thứ mà Fed muốn tránh né bằng mọi giá.

Trong vòng xoáy tiền lương – giá cả, giá tăng khiến người lao động muốn được trả mức lương cao hơn để có thể đảm bảo cuộc sống, nhưng điều đó lại dẫn đến các doanh nghiệp phải tăng giá bán để có đủ tiền trả cho người lao động.

Hiện điều này chưa xảy ra ở Mỹ, các quan chức Fed cũng khẳng định điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, họ vẫn đang theo dõi sát sao chỉ số “lạm phát siêu lõi” – tức giá cả trong ngành dịch vụ, từ các nhà hàng ăn uống cho đến dịch vụ dọn vệ sinh. Một phần là bởi đối với ngành này tiền lương chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí.

Vì hiện nay giá hàng hóa đã hạ nhiệt, nỗ lực chống lạm phát tập trung vào những người lao động đang muốn được tăng lương để có thể trang trải cuộc sống ngày càng đắt đỏ.

Năm ngoái Fed đã tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 4,5 điểm phần trăm, mức mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát siêu lõi vẫn đang rất nóng. Thị trường dự báo lãi suất sẽ tăng thêm ít nhất 75 điểm cơ bản trong năm nay, lên 5,5%.

Cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 21-22/3. Trước đó, sẽ có một loạt số liệu về lạm phát và thị trường lao động được công bố.

Chi tiêu tiêu dùng cho ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ là một lý do giải thích tại sao các công ty có thể tiếp tục tăng giá bán.

Nicole Patterson đang điều hành 1 công ty cung cấp dịch vụ dọn vệ sinh nhà ở và văn phòng tại Summerville, Georgia. Cô cho biết giá dịch vụ đã tăng ít nhất 10% kể từ năm 2020 vì giá các sản phẩm tẩy rửa và giá xăng tăng mạnh. Thế nhưng số lượng khách hàng vẫn tăng không ngừng nghỉ. “Tôi vẫn thường xuyên bận rộn, nhưng 2 năm gần đây nhu cầu của khách hàng tăng rất mạnh, dường như không bao giờ ngừng”. Cô nói.

Trong khi một số ngành (điển hình như ngành công nghệ) đang mạnh tay sa thải, ngành dịch vụ vẫn sẵn sàng tuyển dụng.

Đã có một vài dấu hiệu cho thấy áp lực tăng lương sẽ hạ nhiệt đôi chút – một tin tức tốt lành cho Fed. Theo chỉ số tiền lương của các ngành dịch vụ siêu lõi (do Ủy ban cố vấn kinh tế Nhà Trắng thống kê), tháng 12 năm ngoái trung bình mức thu nhập theo giờ ở Mỹ tăng trưởng khoảng 4,5% - 5% so với năm trước; giảm so với mức đỉnh 7 – 8% lúc đầu năm 2022.

Quay trở lại Nashville, Farley đã nhìn thấy những tín hiệu tiền lương đang tăng chậm lại. Trên trang Indeed.com, mức lương cho những công việc như bếp trưởng đã không còn cao như kỳ vọng.

Tham khảo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nỗi lo sợ lớn nhất của Chủ tịch Fed có nguy cơ trở thành sự thật, con đường ngừng tăng lãi suất còn lắm chông gai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO