Nỗi khổ của sinh viên thời nay: Tiền bố mẹ cho không đủ tiêu, không dám than và cũng tìm đủ cách xoay sở mà vẫn bị gắn mác “ăn hại, không biết thương bố mẹ”

Ngọc Linh | 16:22 11/07/2024

Là sinh viên thời nay khổ thật, hay do họ “được voi đòi tiên” đây?

Nỗi khổ của sinh viên thời nay: Tiền bố mẹ cho không đủ tiêu, không dám than và cũng tìm đủ cách xoay sở mà vẫn bị gắn mác “ăn hại, không biết thương bố mẹ”

“Bao nhiêu tiền mới đủ tiêu?” vốn là câu hỏi rất khó trả lời. Người biết vun vén tiết kiệm thì 5 triệu cũng đã đủ, người thích hưởng thụ thì vài trăm triệu có khi vẫn là thiếu. Nếu đã tự làm ra tiền, tiêu bao nhiêu và tiêu thế nào rõ ràng là quyết định mang tính cá nhân. Chúng ta chẳng ai có quyền phán xét hay chỉ trích cách tiêu tiền của người khác.

Tuy nhiên với sinh viên mà nói, lời khẳng định này lại có phần chưa đúng lắm. Vì các bạn còn đang đi học, tiền học phí, tiền sinh sống ở thành phố vẫn là bố mẹ lo. Vậy có hay không một “hạn mức chi tiêu” dành cho thế hệ này?

Chia sẻ “sinh viên cầm 5 triệu sống ở Hà Nội, tháng nào cũng phải cơm độn mì tôm” thổi bùng tranh cãi

Những ngày gần đây, câu chuyện chi tiêu của sinh viên nói chung đang là chủ đề được mọi người bàn tán rôm rả. Lắng nghe chia sẻ “5 triệu không đủ tiêu ở Hà Nội”, nhiều người không ngại buông lời chỉ trích sinh viên thời nay chẳng biết thương bố mẹ ở quê, cũng có người tỏ ra đồng cảm và thấu hiểu cho những đứa con mới xa nhà chưa lâu, vì bây giờ cái gì cũng đắt đỏ.

untitled-design-2024-07-11t160120.018.png
Chủ đề này đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng
untitled-design-2024-07-11t160756.048.png
"Đủ hay không là do cách sống, cách suy nghĩ của mỗi người"
untitled-design-2024-07-11t161138.408.png
5 triệu là gần bằng giá bán 1 tấn lúa, vậy mà kêu không đủ tiêu thì đúng là "loại ăn hại"?
untitled-design-2024-07-11t161353.819.png
5 triệu không đủ tiêu thì chỉ có thể là không biết quản lý chi tiêu?
untitled-design-2024-07-11t161538.921.png
Một bậc phụ huynh đang nuôi con học Đại học lên tiếng, khẳng định "5 triệu không đủ thật"
untitled-design-2024-07-11t161754.200.png
Cũng có người chia sẻ góc nhìn trung lập, không phán xét

Bố mẹ ở quê làm lụng vất vả lắm mới có 5 triệu đưa cho con để con trang trải cuộc sống khi đi học xa nhà, ngoài khoản tiền này ra còn tiền học phí nữa cơ. Thế nên tiền nuôi con học Đại học hàng tháng có khi còn gấp đôi tiền sinh hoạt, ăn uống của bố mẹ ở quê. Vậy mà con kêu không đủ tiêu, chẳng phải là đang không biết thương bố mẹ hay sao? 

Có lẽ đây chính là lối suy nghĩ khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về cách chi tiêu của các bạn sinh viên bây giờ.

Nhưng nghĩ vậy liệu có đúng không?

“Chúng mình cũng thương bố mẹ lắm chứ nhưng 5 triệu không đủ tiêu là thật”

Hà Thu (sinh năm 2003, quê Hà Nam) và Minh Nghiêm (sinh năm 2004, quê Bắc Giang) đều đang là sinh viên tại 2 trường Đại học top đầu trong ngành Kinh tế ở Hà Nội. Chia sẻ về câu chuyện chi tiêu của bản thân cũng như cái nhìn chỉ trích của mọi người dành cho thế hệ mình, cả 2 bạn trẻ này đều khẳng định “mọi người đang khắt khe với tụi em quá rồi”.

“Mỗi tháng bố mẹ cho em khoảng 4 triệu, nhiều nhất cũng chỉ là 4,5 triệu đồng thôi. Thú thật là nếu không đi làm thêm thì nhiêu đó chỉ đủ trả tiền nhà và tiền ăn, chứ không trang trải được các chi phí cơ bản khác như chi phí đi lại, mua sách vở hay thi thoảng đi cà phê làm bài tập nhóm. 

Em đang đi dạy gia sư, kiếm được khoảng 3 triệu/tháng, cũng đủ để trang trải các vấn đề khác. Tháng nào không có việc gì phát sinh thì cũng tiết kiệm được khoảng 800.000 - 1.000.000” - Hà Thu chia sẻ.

5df1515128966890fc91e1c11eabd98a.jpg
Ảnh minh họa

Trong khi đó, cậu bạn Minh Nghiêm lại “đáp trả” có phần gay gắt hơn.

“Mọi người cứ vin vào chia sẻ 4-5 triệu không đủ tiêu để phán xét cả 1 thế hệ là không biết thương bố mẹ. Nhưng chuyện gì chẳng có người này người kia. Tiền bố mẹ cho không đủ tiêu, nhiều bạn cũng đi làm thêm để kiếm tiền chứ không vòi vĩnh xin thêm tiền từ bố mẹ mà. Bao giờ họ kêu tiền bố mẹ cho không đủ tiêu nhưng chỉ nằm ăn vạ chứ chẳng chịu đi làm, lúc đó mọi người chỉ trích thì chẳng ai phản bác nổi. Chưa kể bây giờ là năm 2024 rồi, đừng mang mức sống của sinh viên những năm 2000 ra so sánh nữa. Hồi ấy 5000đ có thể mua được gói xôi ăn sáng mà no đến tận chiều, chứ giờ 5000đ chỉ đủ tiền gửi xe thôi” - Minh Nghiêm phân tích.

Bố mẹ của Minh Nghiêm và Hà Thu đều là công nhân viên chức, thu nhập của gia đình không thấp cũng chẳng cao. Dẫu vậy, bản thân 2 bạn trẻ này cũng không quá ỷ lại vào bố mẹ. Họ cho biết việc đi làm thêm vừa là để kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên, vừa để tăng vốn sống, đồng thời “sưu tầm” gạch đầu dòng trong CV xin việc sau này, nên cũng không cảm thấy bị áp lực quá vì việc phải đi làm.

Áp lực lớn nhất ngoài việc thi cử, học hành chính là việc cắt giảm chi tiêu, mà chủ yếu là chi phí thuê nhà ở thành phố.

Không dám mơ tới việc ở 1 mình nhưng ở ghép tồn tại muôn vàn khó khăn, bất cập mà không phải ai cũng hiểu

Không cần suy nghĩ lâu, cả Minh Nghiêm và Hà Thu đều khẳng định tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ là khoản đắt nhất khi ra Hà Nội học tập. Bản thân 2 bạn trẻ này cũng tìm mọi cách để tiền thuê nhà ở mức thấp nhất nhưng chuyện này cũng chẳng đơn giản.

0c9757ef502237ad3d578f8e417212b6.jpg
Ảnh minh họa

“Thuê nhà ở gần trường để tiện đi học thì giá thuê lại đắt, mà thuê xa cũng chỉ rẻ hơn được 300-400k nhưng thế thì lại tốn tiền xăng xe. Mình còn chẳng mang xe máy ra Hà Nội cơ, một phần vì nhà mình không dư xe, bố mẹ cũng không dư dả để mua hẳn cho mình cái xe máy. Tiền thuê nhà đã không rẻ, mà tiền điện nước hay phí dịch vụ cũng đắt. Tìm mỏi mắt không có nhà nào gần trường mà tính điện nước giá dân, toàn 3,8-4k/số điện, nước rẻ nhất cũng 100k/người, phí dịch vụ (điện chung, máy giặt, vệ sinh) ít nhất cũng 150k rồi.

Thế nên mình không dám mơ tới việc ở 1 mình luôn ấy. Điện nước đắt nên tự nấu nướng tại nhà thì tiền điện có tháng tới 400k/người mà đấy là mình còn hạn chế tối đa việc dùng điều hòa rồi. Hôm nào phải 39-40 độ mới dám bật điều hòa, mà cũng chỉ bật 2-3 tiếng rồi tắt. Hai anh em tự nhủ thôi đàn ông con trai cố chịu nóng tí cũng được” - Minh Nghiêm chia sẻ và cho biết hiện tại, bạn đang thuê trọ cùng 1 người anh khóa trên, quen từ thời cấp 3.

Là con trai, lại đang ở cùng người quen từ lâu nên có vẻ Minh Nghiêm không gặp nhiều rắc rối với bạn trọ. Còn Hà Thu thì khác.

“Năm ngoái em chuyển trọ 2 lần vì gặp bạn trọ không trung thực và không hợp tính nhau. Em thì không tìm được bạn nào quen để cùng nhau thuê trọ nên toàn tìm người lạ thôi. Một lần thì bị bạn ăn trộm tiền, một lần thì gặp bạn nhà cũng hơi giàu, cứ nóng là bạn bật điều hòa cả ngày, tiền điện có tháng lên tới gần 900k/người. Em không gánh nổi theo bạn nên đành chuyển trọ. Cũng may là bạn đang ở cùng em bây giờ khá hợp nên chắc em cũng không phải chuyển trọ nữa” - Hà Thu chia sẻ.

Cô bạn còn cho biết thêm bản thân hoàn toàn không thích ở với người lạ, nhưng tài chính hiện tại không đủ để ở 1 mình nên đành chấp nhận ở ghép, để giảm chi phí thuê nhà.

Hà Thu và Minh Nghiêm chỉ là 2 trong số cả vạn các bạn sinh viên đang sinh sống, học tập tại các thành phố lớn. Chia sẻ của họ đương nhiên không thể đại diện cho cả một thế hệ, nhưng có lẽ cũng phần nào đủ chi tiết, đủ chân thành để chúng ta thấy rằng việc chụp cái mũ “ăn chơi, không biết thương bố mẹ” cho sinh viên là suy nghĩ có phần phiến diện.


(0) Bình luận
Nỗi khổ của sinh viên thời nay: Tiền bố mẹ cho không đủ tiêu, không dám than và cũng tìm đủ cách xoay sở mà vẫn bị gắn mác “ăn hại, không biết thương bố mẹ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO